Để làm người quản lý tốt

Thứ tư, 17/01/2018, 08:15 GMT+7

Quý Tỵ đã dừng lại để mời chào Giáp Ngọ tiếp tục cuộc hành trình 2014 với nhiều ước mơ và thành công mới. Một năm qua, có thể bạn là một nhà quản lý thành đạt khi đã cùng đội nhóm, phòng ban mình giành lấy nhiều kỳ tích xuất sắc trong công việc, được sếp ngợi khen bởi nhân viên luôn có tinh thần cầu tiến, biết hợp tác tốt với nhau. Tuy nhiên, qua buổi gặp mặt chúc Tết đầu năm 2014 của lãnh đạo và các cấp quản lý thì thực tế vẫn còn rất nhiều điều mà các bạn cần phải làm tốt hơn cho tương lai.

Trong đó, bước đầu tiên của nhà quản lý là phải biết cách ngợi khen cấp dưới. Đa số nhà quản lý cho rằng, nhân viên làm tốt công việc của họ là chuyện đương nhiên, khen ngợi họ là điều không cần thiết vì đôi khi phản tác dụng bởi dễ gây ra tính tự phụ trong nhân viên. Nhưng thực tế thì không phải vậy, chính họ sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng những lời nhận xét tích cực, những lời động viên hay cổ vũ đúng lúc luôn giúp nhân viên tăng động lực làm việc và nâng cao hiệu quả công việc như thế nào. Nhà quản lý tốt luôn chú ý tới thành tích tốt và không nhất thiết phải chờ đợi đến những việc đánh giá chất lượng cuối quý, cuối năm rồi mới thể hiện những lời tán dương đối với nhân viên.

Cần phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý. Lãnh đạo là truyền cảm hứng cho công việc trong khi quản lý là thiết lập cơ cấu tổ chức công việc. Nhà quản lý thành công là biết phối hợp tốt giữa kỹ năng quản lý và khả năng lãnh đạo, là người biết dựa vào nhu cầu của cả nhóm để giải quyết tình huống gặp phải. Như vậy, bước tiếp theo là phải nắm bắt công việc, giao tiếp với nhân viên nhiều hơn và không nên đổ lỗi hoặc sai lầm của nhóm cho một thành viên nào mà bản thân nên đứng ra nhận trách nhiệm, tìm hướng đi đúng để lấy lại thành tích. Nhiều người cho rằng họp chỉ mất thời gian nghe báo cáo, khen ngợi hoặc phê bình ai đó nhưng cần nhận thức rằng họp là rất cần thiết để truyền lửa cho nhân viên, giúp họ thấy rõ tầm nhìn của tổ chức, hướng đi tích cực và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của họ vào sự hưng thịnh của cả tổ chức. Cần thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các phòng ban, đồng nghiệp bởi đó là yếu tố không nhỏ góp phần vào sự thành công của nhóm do mình quản lý.

Nhân viên nào cũng cần sống, cũng đều nghĩ đến quyền lợi được hưởng bởi đó là sự công bằng trong công việc. Tất nhiên “công bằng” không có nghĩa là “cào bằng”, là “ưu tiên” cho những ai mình thích mà quên đi những người khác. Tùy đóng góp của mỗi nhân viên mà nhà quản lý cần có sự nhìn nhận và khen thưởng hợp tình, hợp lý. Muốn thu phục được nhân viên, không gì hơn nhà quản lý cần biết làm việc tốt, có phẩm chất tốt và biết nghĩ tới nhân viên của mình.

Vì nỗ lực muốn giúp công ty hoàn thành sứ mệnh, đôi khi nhà quản lý lại giao nhiều việc hơn cho nhân viên đi kèm với điều kiện phải hoàn thành kết quả hoàn hảo. Điều đó vô hình trung tạo nên một sức ép tâm lý cho nhân viên vì họ thấy mình ít được quan tâm, rằng sếp không bảo vệ họ và họ không đóng góp gì nhiều cho công ty mà chỉ là đóng góp cho sự nghiệp “phát triển” của sếp. Vì vậy, nhà quản lý tốt cần biết sự thành công của nhóm chính là sự thành công của mình và nên san sẻ điều đó với nhân viên.

Cuối cùng, nhà quản lý tốt không chỉ đưa ra những phản hồi mà còn phải biết lắng nghe những ý tưởng mới, cùng thảo luận chi tiết hơn với người đưa ra ý kiến. Không nên khiến nhân viên e ngại khi nêu ra những ý kiến mới lạ. Điều khó khăn nhất nhưng phải làm đó là nhà quản lý tốt phải dũng cảm đối mặt với những sai lầm của mình, lúc đó bạn sẽ nhận ra sự tôn trọng của nhân viên hơn là che dấu hay nói dối về một vấn đề nào đó.

Gia Tài

TAG:

Ý kiến của bạn