Thêm một cái Tết nữa lại trôi qua.
Một nghịch lý ai cũng nhìn thấy trong vài năm gần đây là tình hình hàng hóa ứ đọng sau Tết. Những ngày trước Tết, ào ào đổ về thành phố nào hoa, nào dưa hấu, nào rau củ quả tràn ngập khắp các ngả đường. Nhưng hàng nhiều mà giá lại cao ngất tới mức vô lý. Thế nên như một lẽ đương nhiên, hàng hóa ngập đường nhưng toàn người bán chứ chẳng có mấy người mua, càng cận Tết buộc phải hạ giá để trở lại với giá trị thực. Thậm chí vài mặt hàng sau Tết vẫn còn bán lai rai dọc đường như dưa hấu. Vì vậy dù chợ Tết bắt đầu từ khá sớm nhưng chỉ thật sự nhộn nhịp tấp nập vào ngày 29-30 tháng Chạp. Điều đó cho thấy sự khó khăn của việc bán - mua. Có điều không còn lạ, giữa lúc chợ ế thì siêu thị lại đông nghẹt người. Dường như đã gần đến ngày tàn của những ngôi chợ truyền thống, hay của cung cách bán - mua chụp giật, tranh thủ kiểu “làm một tháng mà ăn cả năm” đã không còn hợp thời?
Nếu chuyện đó trở thành thật sự thì cũng đáng tiếc, vì chợ cũng là một nét văn hóa của dân tộc, là một nơi để nhớ về khi đi xa. Nơi đó không chỉ có sự bán - mua mà còn là của những mối quan hệ quen biết dù chỉ tiếp xúc có ít phút buổi chiều, nhưng lâu ngày cũng thành biết mặt quen tên. Để rồi những ác cảm khi nghĩ về “người kẻ chợ” cũng dần mất đi khi có những chị em tiểu thương kinh doanh rất đàng hoàng, chiều khách, không buôn gian bán lận, họ sẵn sàng bù cho khách món hàng hôm qua mua rồi bỏ quên, trả lại tiền thừa tính nhầm, cho thiếu những hôm khách không đủ tiền mang theo. Những hành động mộc mạc như vậy cũng là cách giản đơn mà bền vững níu chân khách mua hàng. Đó là một sợi dây mỏng manh nhưng bền chặt.
Đi chợ lâu ngày, dù không giỏi trả giá khi chọn lựa hàng, dần dần cũng hiểu nơi nào bán cá tươi, nơi nào không cân thiếu, nơi nào không ép khách mua những thứ họ không muốn, nơi nào nhăn nhó khó khăn, nơi nào vui vẻ nhẹ nhàng. Giữa một cái chợ rộng lớn hàng trăm người bán khách vẫn cứ tìm đến những bạn hàng quen, mối quan hệ đó có khi bắt nguồn từ đời ông bà sang đời cha mẹ rồi truyền sang đời con, vẫn là nơi giữ nguyên uy tín và sự tin cậy mà khách cần.
Là một người bán hàng, kể ra thật dễ mà cũng không hề dễ, phải rành rọt nhanh nhẹn, phải quen mặt khách mà đoán ý, phải kiên nhẫn chiều khách, nói chuyện đẩy đưa ngoài chuyện tính toán lời lỗ thông thường, nên người ta thường gọi đó là cái duyên. Người có duyên bán hàng sẽ ngày càng đắt khách, từ tiệm nhỏ chẳng bao lâu sẽ phát triển thành cửa hàng to. Có khi khách hàng ở thật xa cũng phải tìm đến họ.
Ngày đầu xuân chợt có vài dòng lan man về chuyện mua, chuyện bán góp vui.
TAG: