Ở gần nhưng không ở cạnh

Thứ ba, 17/07/2012, 14:01 GMT+7

Trong một lần đi cắt tóc tại một cửa tiệm quen ở khu vực Chợ Lớn (TP.HCM), tôi được ông chủ tiệm đồng thời cũng là thợ chính “trút bầu tâm sự”, rằng quan hệ cha con giữa ông và cậu con trai tuổi teen đang dần dần trở nên xa cách và khó hàn gắn. Người cha này cứ khăng khăng lý giải rằng vì mình phải chăm lo công chuyện làm ăn của cửa tiệm nên không có thời gian rỗi để trò chuyện với con. Và ông tự cho phép mình lấy quyền làm cha để áp đặt, cấm cản, la mắng và đánh đập con những lúc ông ta không kiềm chế được cảm xúc - theo như lời kể của bà vợ. 

Là một khách hàng thân quen hơn 20 năm với vợ chồng cửa tiệm, tôi thực sự cảm thấy đau lòng vì sự bất hạnh mà gia đình này đang gặp phải. Bằng tất cả sự chân thành và những kinh nghiệm, nhận thức của mình, tôi chia sẻ với họ rằng: “Tuổi thơ của con trẻ mau qua lắm, hãy giành thì giờ ở bên cạnh con, nghe con nói để tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, biết được tâm tư nguyện vọng, rồi hãy tìm cách hướng dẫn và khuyên bảo”. 

Đừng bao giờ làm tổn thương tâm hồn của trẻ thơ, kẻo những ám ảnh về bạo hành gia đình sẽ theo con suốt đời, tệ hơn nữa khi chúng lặp lại cách hành xử ấy với con cái sau này. 

Trong thực tế, lắm lúc cha mẹ tuy rằng ở chung một mái nhà với con cái, thường xuyên “ở gần” nhưng thực sự không “ở cạnh” con. Con trẻ luôn cần sự đồng hành của cha mẹ, cần cha mẹ nghe chúng nói, hiểu tâm trạng của chúng, và cho chúng những lời khuyên “vừa sức” (tức những hành động, mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của mỗi người). 

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần lo cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất, cho con được học ở trường nổi tiếng, tiếp cận với thầy giỏi… là đủ để bù đắp sự thiếu hụt về thời gian được gần gũi cha mẹ. Thực tế đã có nhiều câu chuyện đau lòng từ nhận thức này, khi chỉ đến lúc con cái xảy ra “chuyện tày trời” thì cha mẹ mới hay. 

Thiết nghĩ, để có được sự yên ấm thực sự trong gia đình, sự quan tâm, thấu hiểu mới là quan trọng và cần thiết nhất.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn