Nuôi dưỡng thái độ sống

Thứ sáu, 06/01/2012, 13:47 GMT+7

Tiếp nối chương trình trao học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi là phần giao lưu giữa một số doanh nhân trong CLB DNSG với gần 500 sinh viên trường Đại học Nông Lâm diễn ra vào sáng ngày 25/2/2012, với chủ đề “Từ ý tưởng kinh doanh đến ước mơ khởi nghiệp”.

Là một diễn giả được tòa soạn mời để chia sẻ kinh nghiệm, tôi thật sự quan tâm và chú ý cách đặt câu hỏi của các bạn sinh viên, và cố gắng hiểu thật nhanh để có thể đưa ra một số giải đáp thỏa mãn những đắn đo, trăn trở của các em… 

“Tại sao các dự án kinh doanh của sinh viên thường hay bị chết yểu? Làm cách nào có thể giúp các bạn hiện thực hóa được ước mơ của mình?”; “Làm sao để nuôi dưỡng ý chí khởi nghiệp và luôn giữ được sự tự tin, mãnh liệt và nhiệt huyết như thuở ban đầu?”; “Tại sao những người thành đạt hay kể khổ, kể khó về quá khứ của mình cho giới trẻ ngày nay? Không lẽ giới trẻ bây giờ được học hành tới nơi tới chốn mà không lập ra được những thành tích như bố mẹ của mình sao?”...

Những thắc mắc trên của giới trẻ đặt ra cho cả người hỏi lẫn người được hỏi trách nhiệm phải kéo gần khoảng cách trong nhận thức giữa hai thế hệ.

Bất kỳ ai trong chúng ta đều trải qua những thời kỳ, những giai đoạn mà khi nhìn lại, ta tự rút ra những “bài học trường đời” cho mình. Có những người vượt qua được những khó khăn, thử thách và gian truân trở nên mạnh mẽ, tự tin và thành công. Nhưng cũng không ít người bị “dìm sâu” trong thất vọng, mất niềm tin và tự thu mình lại…

Nhiều sinh viên chưa biết gì về đặc tính, đặc thù ngành nghề mà dám viết ra những dự án có mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Các bạn chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức ngành nghề tối cần mà vội nghĩ tới những công trình vĩ đại, trong khi không biết lấy nguồn vốn từ đâu hoặc trông chờ toàn phần vào nguồn vốn vay. Một khi đã vay mượn mà không tròn bổn phận hoàn trả chí ít là tiền gốc cho thân chủ thì quan hệ xã hội sẽ trở nên xấu đi, danh dự bản thân sẽ bị tổn hại với hai chữ “thất tín”. 

Ước mơ sẽ chỉ là ước mơ nếu nó xa rời tính thực tế, không xuất phát từ nhu cầu làm thay đổi chất lượng cuộc sống con người. Trong thời đại kỹ thuật số, với sự bùng nổ và phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, chúng ta dễ bị “nhiễm” hoặc dễ “bắt chước” những suy nghĩ và hành vi ứng xử của một trào lưu, và tự cho mình là người bắt kịp thời đại. Đó là sự lầm tưởng đáng tiếc!

Với những bạn trẻ có một nền tảng giáo dục gia đình tốt, được trang bị kiến thức một cách bài bản, hay được tiếp nhận những giá trị sống trong tôn giáo, sẽ thuận lợi trong việc phát triển nhân cách hơn, bởi họ sớm nhận thức về vai trò, trách nhiệm và giá trị bản thân trong hiện tại và tương lai. Nhưng đôi lúc những định kiến của xã hội, những lời bình phẩm, những áp lực trong công việc, những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội thoáng qua suy nghĩ khiến ta bị “chùn bước” hoặc bị “dao động” với nhiều cung bậc cảm xúc, rồi trở nên nghi ngờ những ước mơ, hoài bão, thậm chí muốn đi ngược lại những nguyên tắc sống mà bản thân đã quy tụ sau những lần trải nghiệm.

Sự kiên định chỉ có khi chúng ta nhận thức được việc nuôi dưỡng những ý nghĩ tích cực trước mọi người, mọi việc và mọi vật xung quanh mình là tối cần thiết.

Hai chữ “thành đạt” hay “thành công” là điều ai cũng mơ và muốn đạt được. Trong lịch sử loài người, bất kể là lãnh tụ quốc gia, doanh nhân, nhà khoa học hay người làm nghệ thuật, đa phần đều xuất thân và trải qua những thời kỳ khó khăn, thậm chí cùng cực. (Nhà sáng lập - CEO quá cố của APPLE – STEVES JOB là một ví dụ). Điều gì làm cho họ trở nên mạnh mẽ và phi thường để đi từ thành công này đến thành công khác? Chính những gian truân, thử thách cuộc đời đã tôi luyện và hình thành mục đích sống, ý chí mãnh liệt và lòng quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu nơi họ.

Những người thành đạt thường hay kể lại những trải nghiệm trên bước đường vươn tới thành công của mình với mục đích truyền đạt những kinh nghiệm, cả về ý thức lẫn hành động, đến thế hệ sau. Họ muốn thế hệ trẻ hiểu rằng, để có thể thu được trái ngọt thì phải bỏ công cày xới. Nhưng, việc “cày xới” bằng cách nào phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng thời đại. Họ không hề có ý “lấy bo bo đi so sánh với gạo nàng hương” (như lời chị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Foods…), hoặc đặt lên vai giới trẻ gánh nặng phải “như phượng như rồng”!

Nuôi dưỡng thái độ sống bằng những suy nghĩ tích cực là điều mỗi chúng ta có thể học tập, rèn luyện và trau dồi để trở thành một thói quen tốt.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn