Đưa Mẹ đi một chuyến vượt Đại tây dương đến bờ đông, bờ tây của nước Mỹ để tham quan du lịch và thăm viếng các ông cậu, bà dì là điều tôi ấp ủ bấy lâu nay…
Như lịch hẹn, chúng tôi đã đến Lãnh Sự Quán Mỹ trước nửa giờ để xếp hàng và làm các bước thủ tục kiểm tra an ninh, trình hồ sơ, lăn dấu vân tay và chờ được gọi số để gặp Lãnh Sự phỏng vấn. Trong lúc chờ đợi, tôi để ý xem số lượng người được phỏng vấn thành công sẽ chiếm xác suất bao nhiêu. Cũng tầm khoảng 20% người được phỏng vấn không được chấp thuận cấp visa nhập cảnh Mỹ. Họ đi thẳng về hướng cửa ra về với khuôn mặt buồn hiu và đầy thất vọng.
“Xin mời quý khách có số thứ tự 2005 đến cửa số 3”, chúng tôi lập tức tiến nhanh đến quầy hẹn. Tôi gửi lời chào buổi sáng đến ông Lãnh sự người Mỹ và được ông đáp lại bằng ánh mắt thân thiện. Vị Lãnh sự này có thể nói lưu loát tiếng Việt, nhưng ông ta ưu ái đặt câu hỏi để tôi được nghe và trả lời bằng tiếng Anh, xoay quanh vấn đề nghề nghiệp, mục đích, điểm đến và thời gian lưu trú bên Mỹ. Quay sang người con trai tôi, ông hỏi thăm tình hình học tập và ước nguyện du học trong tương lai. Đến lượt Mẹ tôi thì ông Lãnh sự hỏi: "Chồng bà đang làm nghề gì?”. Mẹ tôi trả lời rằng ông đã mất 20 năm nay. “Ôi , tôi rất lấy làm xin lỗi!”, vị Lãnh sự đã cúi đầu xuống với một ánh mắt đầy chia sẻ trước sự mất mát của Mẹ tôi. Sau đó ông ta ký vô tờ giấy xanh (hồ sơ phỏng vấn được chấp thuận) cùng với nụ cười và lời chúc “Chúc cả nhà một chuyến đi vui vẻ!”.
Luồng cảm xúc biết ơn và tôn kính nơi tôi dâng trào. Cách ứng xử diễn ra trong cuộc sống quanh ta, có những biểu cảm, lời nói tưởng chừng dễ, giản đơn nhưng ít ai chịu chú ý và sử dụng nó. Biết cười, biết nói lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời động viên và lời cầu chúc tốt đẹp đến người trực diện là thể hiện cả một tấm lòng, một nghệ thuật văn hóa ứng xử đượm chất nhân văn của một con người, một dân tộc văn minh.
NHQ
TAG: