Nến (còn gọi là đèn cầy) thường hay được xuất hiện ở những nơi tổ chức nghi lễ mang tính tín ngưỡng, hoặc trong những sự kiện đánh dấu khoảnh khắc trọng đại của một đời người. Những buổi lễ hôn ước, bữa tiệc hẹn hò trai gái nhân ngày Valatine, mừng sinh nhật, ngày giỗ, hoặc thời khắc giao thừa thiêng liêng đều không thể vắng bóng những ngọn nến. Nến luôn gắn liền với ngọn lửa, nó biểu trưng cho sự sống, lòng tin yêu, niềm hạnh phúc, sự tri ân và khát khao được tỏa sáng.
Nến chỉ là một tĩnh vật (với thành phần chính thường là sáp và một sợi dây bấc), nó chỉ có giá trị và ý nghĩa khi được thắp lên và cháy sáng. Giá trị của nến không nằm ở vẻ đẹp bên ngoài nhờ màu sắc, kiểu dáng, hay những gì được điểm xuyết trên thân sáp. Những sắc màu lung linh của ánh lửa nến xua tan nỗi sợ hãi trong bóng đêm. Khói hương nồng nàn của sáp tạo cho người ta những xúc cảm thiêng liêng, những phút giây tĩnh tâm để nhớ về quá khứ, để ước nguyện và hy vọng ở tương lai. Đó mới là ý nghĩa thực sự của nến.
Ngẫm ra, có sự tương đồng giữa cây nến và… một CEO - người ở vai trò điều hành, quản lý một doanh nghiệp. Chúng ta tự hào và hãnh diện với danh xưng và địa vị xã hội có được chăng? James Mackintosh đã nói: “Chỉ nên hài lòng với những gì mình có, chứ không nên hài lòng với việc mình là ai”. Chữ “có” ở đây cần được hiểu không chỉ là những của cải vật chất, danh tiếng và địa vị xã hội, mà còn phải bao gồm những kiến thức, kinh nghiệm mà ta tích lũy được, những hoài bão, khát khao mà ta từng ấp ủ, và tất cả phải được thể hiện qua hành vi ứng xử sống biết sẻ chia và đền đáp.
Một CEO “hữu danh hữu thực” luôn là tấm gương của lòng dũng cảm, sự hy sinh và sẻ chia; là nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy sự phát triển của một tổ chức nói riêng và xã hội nói chung; là ánh sáng soi rọi để những người đi phía sau vượt qua các rào cản, thử thách; là điểm tựa của niềm tin về một tương lai yên bình và sáng lạn; là tấm gương của lòng khát khao được sống và cống hiến… Giống như cây nến - chỉ giá trị và ý nghĩa khi được đốt cháy và tan chảy…
NHQ
TAG: