Theo Tiến sĩ tâm lý người Nhật Bản Uenishi Akira tác giả cuốn “Tôi trồng cỏ bốn lá 9 thói quen kiến tạo vận may”, những điều tốt hay xấu xảy ra xung quanh chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với thứ gọi là “vận khí”.
Những ai nắm giữ được nhiều “vận khí” thì sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, may mắn và đạt được mọi điều họ mong muốn. Ngược lại, cuộc sống của họ có thể gặp nhiều bất hạnh, thần may mắn không mỉm cười và những mong muốn cũng khó thực hiện được.
Vận mệnh, cuộc sống của con người được quyết định bởi “bản chất trong tâm”, nói cách khác nó chính là những suy nghĩ thường ngày của chúng ta. Cái gọi là “bản chất trong tâm” có mối quan hệ chặt chẽ tới lượng vận khí được tích tụ trong tâm (năng lượng tích cực). Nói cách khác, vận khí càng được tích tụ nhiều thì “bản chất trong tâm” càng được cải thiện, kéo theo đó là vận mệnh sẽ trở nên tốt hơn. Tức là, điều quyết định, ảnh hưởng tốt – xấu đến vận mệnh của bạn đều phụ thuộc vào lượng vận khí mà bạn tích trữ.
Vậy, chúng ta cần làm gì để nắm giữ được nhiều “vận khí”? Theo Tiến sĩ Akira, có 9 thói quen trong cuộc sống giúp chúng ta tích lũy vận khí. Bí mật nằm ở chỗ, để được “thần may mắn” mỉm cười tiếp đón, bạn phải nỗ lực rèn luyện và duy trì những thói quen ấy một cách “có tâm”.
Thói quen thứ nhất: Sống có khát vọng
Để vận khí tích lũy được trong tâm, điều quan trọng đầu tiên là cần phải có ước mơ và tham vọng. Vì, khi có ước mơ và tham vọng, ta sẽ có thêm hy vọng vào cuộc sống, nhờ đó ta có được cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai, rồi dần dần nảy sinh ra những lý tưởng, những mục tiêu muốn chinh phục dù có phải lao động cật lực.
Khi bạn có ước mơ và tham vọng cũng là lúc vận khí trong tâm bắt đầu được tích tụ lại, nó sẽ mang tới những ảnh hưởng tích cực tác động lên sức khỏe và đời sống của bạn.
Tham vọng đủ lớn sẽ khiến bạn cảm thấy muốn nỗ lực phấn đấu, những thói quen tốt sẽ dần hình thành và làm thay đổi dòng chảy của cuộc sống theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên cần nhớ: Tham vọng làm gia tăng vận khí, nhưng ảo tưởng sẽ làm tiêu giảm vận khí.
Những mong ước mà khả năng thực hiện được là quá nhỏ, hoặc thậm chí không tưởng, sẽ gần với ảo tưởng hơn là tham vọng, nên ta sẽ khó lòng nghĩ ra được nên xuất phát từ điểm nào.
Để không gặp phải trường hợp như vậy, bạn nên kèm theo suy nghĩ “hiện tại mình chưa thể thực hiện được điều đó, nhưng một ngày nào đó mình sẽ làm được”. Có suy nghĩ như vậy, bạn sẽ tạo lập được một tham vọng thực sự.
Tạo được những tham vọng có tính thực tế không quá xa vời là cách giúp ta xác định chính xác điều gì nên làm và có thể thực hiện được.
Nói về tham vọng, nhiều người chắc sẽ hình dung ra viễn cảnh trong tương lai mình sẽ thực hiện được các mong muốn, lý tưởng mà bản thân đang hoặc đã đặt ra một vài năm trước. Nhưng, tham vọng không chỉ giới hạn như vậy. Các tham vọng đặt ra “niềm vui ngắn hạn” để thực hiện trong tuần này, tuần sau, hay một tháng – hai tháng nữa, luôn là điều tốt. Vì như vậy, cảm xúc hồi hộp, mong chờ sẽ nảy sinh trong bạn. Mỗi ngày đều sẽ trở thành niềm vui. Đó chính là khi vận khí trong tâm đang được tạo ra và dần tích tụ lại.
Sau khi đã có ước mơ, việc đặt ra thời hạn cụ thể cho mục tiêu và biến nó thành hiện thực là điều vô cùng quan trọng. Bởi khi ấy bạn sẽ sắp xếp các công việc, kế hoạch hiệu quả hơn.
Hơn nữa, thời hạn còn giúp bạn nâng cao động lực thực hiện mục tiêu, lại có thể giúp loại bỏ những việc không cần thiết.
Cần lưu ý: đặt thời hạn hoàn thành mục tiêu một cách chính xác. Nếu đặt thời hạn không phù hợp với khả năng thì có thể bạn sẽ không hoàn thành mục tiêu, hoặc sẽ phải chịu áp lực, khiến tâm trạng đi xuống, có khả năng làm mất đi vận khí được tích trữ.
Mục tiêu đã có, vận khí tốt lành đang được tích tụ, cảm xúc tích cực dâng tràn. Tuy nhiên, đôi khi mọi việc diễn ra không như ta mong muốn, sẽ có nhiều vấn đề thường xuyên xảy đến cản trở hay khiến bạn rơi vào bế tắc. Làm sao để vượt qua, để không nản chí, để không bị cảm xúc tiêu cực chi phối?
Trong trường hợp đó, hãy nhìn về tương lai phía trước và hành động như thể điều bạn mong muốn đã thành hiện thực.
Tin tưởng vào một điều gì đó khiến nó trở thành sự thật, giống như lời tiên đoán sẽ trở thành hiện thực vậy. Thế nên, khi bạn không giỏi một việc gì và muốn thay đổi điều đó, việc đầu tiên bạn cần phải làm là thay đổi niềm tin của mình. Có như vậy lòng nhiệt huyết trong con người bạn mới được giải phóng. Lúc ấy, vận khí dâng trào, tích tụ lại, giúp tâm bạn trở nên vững chãi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hãy tạo thói quen luôn nghĩ về mục tiêu mình đã đề ra. Để tạo được thói quen này, cách tốt nhất là viết mục tiêu của bạn ra một tờ giấy, dán tờ giấy đó ở nơi bạn thường xuyên nhìn tới hay dễ nhìn thấy nhất. Một khi hình thành được thói quen này, tâm trạng của bạn sẽ luôn vui vẻ, thoải mái. Quan trọng nhất là nó giúp bạn duy trì được động lực để hướng đến việc hoàn thành mục tiêu.
Khi ta đặt ra một sứ mệnh gắn với mục tiêu của mình thì khả năng gặt hái được thành công là rất lớn. Đây cũng là cách giúp ta gia tăng vận khí lên rất nhiều. Việc đặt ra một sứ mệnh cao cả sẽ dẫn đến những hành động đẹp trong tương lai.
Cuối cùng, mặc dù ta luôn cố gắng kiên trì để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, không phải ai cũng có thể đi đến đích. Khi đó, bản thân chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái thất vọng và bất lực. Trở ngại này có thể làm tiêu tan những vận khí ta đã tích lũy được trước đó.
Khi tình trạng như vậy xuất hiện, hãy nghĩ rằng, miễn là ta còn sống thì vẫn sẽ luôn có cơ hội để thực hiện những mục tiêu còn dang dỡ, chỉ cần thay đổi thời điểm, dạng và cách thức tiến hành. Những vận khí ta đã tích lũy được cất giữ lại trong tâm, và may mắn sẽ lại đến bằng nhiều cách khác nhau nếu ta có đủ sự cố gắng và nỗ lực.
Nên nhớ, vận khí luôn ủng hộ những người không chịu khuất phục nghịch cảnh. Nếu vừa đạt được một mục tiêu bạn đã thỏa mãn thì vận khí sẽ tiêu tan dần. Nếu bạn lập ra một mục tiêu mới để phấn đấu thì vận khí không những không mất đi mà sẽ tiếp tục được duy trì và tích lũy trong tâm. Nói cách khác, thứ chúng ta cần lả luôn không ngừng phát triển và tiến bộ hơn nữa.
>> (Kỳ sau: 9 thói quen kiến tạo vận may: Giữ niềm tin “mình có thể làm được”)
K.H
TAG: