Điều rút ra từ chiếc ly bị rạn nứt

Wednesday, 06/10/2021, 12:09 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ phòng bếp của mọi nhà lại “ấm” như giai đoạn này. Cuộc sống của mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn đều gặp phải những xáo trộn khi đứng trước cơn đại dịch, cần lắm sự tự nhận thức và chung tay sẻ chia trên tinh thần tự nguyện của mỗi thành viên trong gia đình, để sẵn sàng cho những biến chuyển, nhằm đạt được sự cân bằng, hòa hợp. 

Do việc đi lại và tiếp xúc gần bị hạn chế, nên quỹ thời gian trống vào những ngày cuối tuần của tôi đều dành cho việc bếp núc, đọc sách và chơi đùa với thú cưng. Sẽ không có gì để phàn nàn nếu mọi thứ diễn ra êm xuôi và trật tự, nhưng cuộc sống luôn có những rắc rối phát sinh xen kẽ những điều vui mỗi ngày. 

bo-su-tap-ly-starbucks

Dinh Di - con gái tôi là người biết coi trọng tình cảm, biết suy nghĩ, có chính kiến và tài biện luận. Có thể xem là cô gái có cá tính mạnh, có lẽ một phần do thừa hưởng gen di truyền của mẹ, lại được ăn học đàng hoàng và tập sống tự lập ngay từ nhỏ. Một trong những sở thích của Di là sưu tầm những chiếc ly giới hạn số lượng của hãng Starbucks. Trong bộ sưu tập của Di có một chiếc ly màu hồng lấp lánh ánh sao thoạt nhìn như một chiếc ly thủy tinh nhỏ lồng vào chiếc ly lớn trông khá lạ mắt. 

Sau hơn một tiếng đồng hồ hì hục cùng con gái vào bếp, những món đồ ăn đã sẵn sàng để đưa lên bàn ăn. Bỗng nghe tiếng một vật gì đó rơi. Hóa ra trong lúc sắp xếp bàn ăn, người làm cha đã vô tình làm rơi chiếc ly ánh sao bằng nhựa melamine xuống đất, nhưng sau đó chỉ hỏi chiếc ly này của ai, mà không hề có một động thái xin lỗi (sĩ diện của người làm cha chăng?) hoặc nhã ý xin bồi thường. Nhìn chiếc ly yêu thích bị rạn nứt, Di nổi giận và lên tiếng trách móc, không khí bữa ăn chùng xuống và mọi người đều không thoải mái. Tôi cố giữ im lặng để nuốt trôi chén cơm (vì cũng đói bụng rồi :) ), cũng không bàn về vấn đề này suốt cả đêm hôm đó. 

Ngày hôm sau, tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty để viết cho con những dòng tâm sự qua email…

“Con là đứa con biết trọng tình cảm, biết suy nghĩ và có cá tính mạnh. Có cá tính mạnh là điều tốt bởi người không có cá tính sẽ không gặt hái bất kỳ thành công nào trong suốt cả cuộc đời, nhưng đôi lúc cá tính mạnh cũng là điểm yếu cần phải khắc phục. Sự việc hôm qua con có lý của con, không sai! Nhưng sống chung một mái nhà không phải cái gì cũng đòi rạch ròi, tính hơn thua, lời lỗ hoặc đòi công bằng, nhất là với người thân trong nhà, lại là cha của con. Con thử nghĩ lại xem hồi nhỏ mình đã từng làm đổ, làm bể, làm tổn thất tiền bạc của cha/mẹ do mua sắm thiếu suy nghĩ, có bao giờ con bị khiển trách bằng giọng nói và biểu cảm như con đã từng biểu lộ chưa? Cha/mẹ đã bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để nuôi dưỡng con ăn học, khỏe mạnh, du lịch đây đó cho đến giờ phút này có bao giờ kể công hoặc đòi được đền đáp?! Lòng trắc ẩn là gì con phải học ngay từ bây giờ, khi mái đầu cha/mẹ đã không còn xanh như ngày nào…”.

Đừng mong thay đổi bản tính của bất kỳ ai, mình chỉ có thể thay đổi cách tiếp cận vấn đề của chính mình bằng cách kiềm chế, chuyển hóa cảm xúc nhất thời của mình.

1/ Chấp nhận: Bỏ qua, chịu thiệt về phía mình, chấp nhận những chuyện vô lý, bất công.
2/ Không chấp nhận: Yêu cầu đối phương thể hiện trách nhiệm cá nhân trước sự việc đó. 

Bởi khi tức giận, người chịu tổn hại sức khỏe là chính mình (do cơ thể sản sinh ra chất Catecholamin cùng với tác động của hệ thần kinh trung ương, lượng đường huyết sẽ tăng rất cao, từ đó axit béo, độc tố gây hại cho gan, chưa kể nguy cơ bị viêm loét dạ dày) rồi ảnh hưởng đến tâm trạng những người xung quanh. 

Gần hai năm trong cơn đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra quả là một phép thử lớn với tất cả mọi người, mọi gia đình. Khi mọi người có thời gian gần gũi nhiều hơn đồng nghĩa rằng mọi người sẽ biết rõ bản tính, khí chất của nhau hơn. Khi mọi thứ diễn ra trước mắt trái với những gì vốn quen thuộc, tưởng là hoặc đi ngược với kỳ vọng của mình thì hơn bao giờ hết cần có sự thấu cảm, sự thay đổi trong nhận thức vấn đề từ nội tâm và sự khát khao tự điều chỉnh, thể hiện bằng lời nói, hành động cụ thể. Đó chính là yếu tố góp phần làm tốt dần hoặc xấu đi mối quan hệ trong gia đình và xã hội. 

Hãy nghĩ xem điều gì là quan trọng và vô giá trong mắt chúng ta? Vật chất chỉ là công cụ, phương tiện phục vụ cho đời sống con người và thỏa mãn sở thích cá nhân mỗi người. Điều trân quý nhất chính là mối quan hệ trong gia đình, những người mà ta chạm mặt, tiếp xúc mỗi ngày nhưng luôn có sự khác biệt về nhận thức, lối sống. Đừng để phải thốt lên hai từ “giá như” trong sự hối tiếc chỉ vì sự sĩ diện, tính bốc đồng mà không chịu nhìn lại mình và chủ động làm một điều gì đó để cải thiện tình hình, cải thiện bản thân.

N.H.Q

TAG:

Your comment