"Điểm một thời” là chương trình nghệ thuật trình diễn thời trang và âm nhạc dân tộc do nghệ sĩ - nhà thiết kế Sĩ Hoàng sáng lập, là nơi khán giả được nghe và xem câu chuyện văn hóa dân tộc qua phần trình diễn lịch sử trang phục Việt và âm nhạc truyền thống.
Khán phòng nhỏ, sân khấu chỉ vừa đủ chỗ cho dàn nhạc cụ dân tộc - trống, đàn T’rưng, đàn nguyệt, đàn bầu, sàn catwalk không lớn, cách hàng ghế khán giả cũng tầm hơn một mét, tất cả như chỉ với tay là có thể chạm vào. Cha đẻ của “Điểm một thời” làm chương trình này với khát vọng giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên khi thưởng thức, ngay cả khán giả Việt nhiều người cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi lần đầu được mục sở thị sự độc đáo, nghe được âm thanh nguyên bản của các nhạc cụ dân tộc như chiếc đàn đá – bộ gõ cổ nhất Việt Nam và là một trong những nhạc cụ sơ khai nhất của loài người. Các trường phái cổ nhạc như hát chầu văn, hát xẩm... khó bắt gặp trong các chương trình truyền hình, rồi trang phục từ cổ xưa đến cách tân của các dân tộc ít người trên khắp miền đất nước đều được chắt lọc, dàn dựng có chủ ý. Thêm một bất ngờ nữa là vào cuối chương trình, khán giả được hòa mình trong không gian cuộc sống dân dã của người Sài Gòn thập niên 60-70 thế kỷ XX với những âm thanh vừa gần vừa xa của tiếng rao đêm, với những hình ảnh sờ tận tay của gánh hàng rong và được “ăn hàng” theo đúng nghĩa đen của từ này...
“Điểm một thời” được trình diễn trên sân khấu Saigon House - ngôi nhà văn hóa ngay giữa trung tâm TP.HCM (77 Nguyễn Huệ, Q.1). Vì vậy, khán giả đến đây ngoài thưởng lãm chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc, còn có cơ hội khám phá lịch sử trang phục Việt Nam, với nhiều hiện vật quý tôn vinh vẻ đẹp đáng tự hào của người Việt.
Tổng giám đốc công ty New Toyo (Việt Nam) - bà Nhan Húc Quân, sau một lần làm khán giả của “Điểm một thời” đã “nung nấu” ý định chia sẻ giá trị tinh thần này đến những người mà mình trân quý. Và chương trình “Điểm một thời” dành riêng cho New Toyo (Việt Nam) đã được ra mắt với khán giả - chính là những khách hàng thân thiết, là đồng sự, là người thân của người đứng đầu New Toyo (Việt Nam).
Bắt nguồn từ triết lý kinh doanh “Sự tin tưởng và trung thành của khách hàng là thước đo thành quả của doanh nghiệp” - công ty TNHH Bao Bì Giấy Nhôm New Toyo xem việc tri ân khách hàng là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Tri ân khách hàng không đơn thuần là lời cảm ơn của doanh nghiệp đối với những cá nhân, tổ chức đã tin tưởng sử dụng dịch vụ và sản phẩm của mình mà còn đồng hành cùng họ, giúp khách hàng hiểu và cảm nhận được trân trọng như thế nào, mặt khác nhằm củng cố sự trung thành và giữ chân khách hàng ở lại với doanh nghiệp. Bởi, nếu không có khách hàng, doanh nghiệp dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể tồn tại được.
Thông thường, các doanh nghiệp hay thực hiện việc tri ân khách hàng dưới hình thức hội nghị (tiệc mừng và quà tặng) hoặc hội nghị kết hợp du lịch. Cách lấy “giá trị tinh thần” làm quà tặng như New Toyo (Việt Nam) đã làm có thể không phải lần đầu xuất hiện, nhưng nếu chứng kiến niềm phấn khích thể hiện trên nét mặt, ánh mắt và những câu chuyện rôm rả giữa các khán giả sau khi buổi diễn kết thúc, có thể thấy đây là một cách làm đáng phát huy và nhân rộng, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh mà khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp.
Mục đích của việc tặng quà là để tạo ấn tượng với khách hàng và xây dựng quan hệ với họ, khiến họ nhớ đến doanh nghiệp khi ra các quyết định mua hàng. Một trong những bí quyết tặng quà được các chuyên gia gợi ý là hãy cân nhắc các món quà mang ý nghĩa tinh thần, bởi trí nhớ cảm xúc (được hình thành khi cơ thể tiếp nhận các kích thích gây ra cảm xúc) thường tồn tại lâu hơn trong tâm trí con người.
Một khía cạnh khác cũng thường được doanh nghiệp cân nhắc khi chọn quà tặng là giá trị của món quà. Trong trường hợp này, một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thực hiện bởi một một ê kíp chuyên nghiệp và đầy tâm huyết (đạo diễn Lương Duyên, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng, dàn diễn viên và người mẫu chuyên nghiệp và đặc biệt đích thân nghệ sĩ Sĩ Hoàng làm người dẫn truyện) - khó ai có thể phủ nhận ý nghĩa tinh thần mà nó mang lại cho người hưởng thụ. Về giá trị vật chất, cũng khó thể nói món quà này “nặng” hay “nhẹ” hơn so với những hiện vật thông thường được sử dụng, bởi đầu tư cho nghệ thuật (một cách thực sự nghệ thuật) chưa bao giờ là sự đầu tư “nhẹ nhàng” cả.
Có câu rằng: “Món quà tinh thần khác với món quà vật chất ở chỗ càng cho đi thì bạn lại càng giàu có”. Có lẽ chẳng có doanh nghiệp nào lại đi từ chối sự “giàu có” đó là sự tin tưởng và trung thành của khách hàng.
PV
TAG: