Học mà chơi, chơi mà học

Thứ sáu, 29/09/2017, 13:58 GMT+7

Đứng trước cùng một sự việc, hiện tượng, cách nhìn nhận, đánh giá và xử lý vấn đề chính là thể hiện cách tư duy của mỗi người. Khoa học đã chứng minh rằng lối tư duy tiêu cực sẽ làm suy giảm các chất nội tiết, suy giảm chức năng của hệ miễn dịch, khiến con người mệt mỏi, dễ rơi vào tình trạng thất vọng. Ngược lại, tư duy tích cực tạo ra những năng lượng có tác dụng hoạt hóa các chất dẫn truyền thần kinh để gây ra những biến chuyển trong hệ nội tiết, kích thích mọi hoạt động trong cơ thể con người, trong đó có hoạt động trí não. Có thể thấy, lối tư duy góp phần quyết định chất lượng sống và chất lượng công việc của chúng ta.

p1

Bình Quới 2 thuộc bán đảo Thanh Đa, là khu du lịch xanh mát giữa lòng thành phố, là điểm dã ngoại cho ngày cuối tuần mà chúng tôi chọn để tổ chức cuộc họp sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017, kết hợp huấn luyện quản trị cảm xúc trong cuộc sống và công việc dành cho các cấp quản lý trong tổ chức dưới sự dẫn dắt của chuyên gia tâm lý Học viện Crossroad Plus.

Trước khi chính thức bước vào buổi sinh hoạt, chúng tôi đã cùng tham gia một trò chơi. Tất cả chia làm 3 nhóm và mỗi người trong nhóm tự đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của một nhân vật trong kịch bản. Nhân vật là một chủ xe gắn máy. Bối cảnh là ông này đem chiếc xe ra tiệm thay nhớt định kỳ, sẵn tiện yêu cầu thợ sửa xe tiến hành bảo trì luôn. Trong vòng chưa đầy 30 phút, người chủ xe liên tục nhận được tin nhắn của thợ sửa xe, ban đầu là đề nghị thay phanh (thắng) xe, tiếp theo là thay bộ chế hòa khí, rồi cần phải thay luôn bộ đánh lửa. Người chơi được yêu cầu đặt mình vào địa vị của người đàn ông mang chiếc xe đi sửa và viết ra những gì mình dự đoán và những gì mình sẽ làm.

Kết quả:

Nhóm 1: Hoài nghi bị người thợ “vẽ” / Nhờ người khác tư vấn / Đích thân đi kiểm tra và xác định tình trạng chiếc xe.

Các bạn trong nhóm này đều biểu lộ cảm xúc hoài nghi trước những đề nghị của người thợ sửa xe. Có thể thấy, nhóm này, trong công việc hay cuộc sống thường tham khảo ý kiến người khác thay vì tự thân vận động để có chính kiến của mình khi đứng trước một vấn đề, một sự việc. Họ là người có tính thẳng thắn, bộc trực, tinh thần trách nhiệm cao và luôn chủ động “muốn mọi chuyện được đâu ra đó thật rõ ràng”.

Nhóm 2: Nghi người thợ sửa xe gian dối / Chấp nhận làm theo yêu cầu chỉ một lần này duy nhất / Quyết định không quay lại.

Các bạn trong nhóm này cũng có điểm tương đồng với nhóm 1 là sự hoài nghi. Họ là những người khái tính và dễ tin người, cũng có thể gọi là người dễ tính và hay phó thác mọi việc cho người khác bởi lẽ họ nghĩ rằng “cái gì xảy ra cũng đều có cơ duyên nhất định của nó” hoặc “mỗi người một nghề, giao cho thợ làm là xong”. Rồi sau đó có thể vì nghĩ đến số tiền chi trả nên có chút hụt hẫng rồi quyết định “có bị lừa cũng chỉ một lần duy nhất mà thôi”.

Nhóm 3: Nghi ngờ khả năng chuyên môn của người thợ sửa xe / Đặt câu hỏi và yêu cầu thể hiện tính chuyên môn hóa thông qua check list / Mang xe đi tiệm khác sửa.

Tính đa nghi cũng được thể hiện qua biểu cảm và phân tích của các bạn trong nhóm này. Nhưng họ thể hiện là những người có kiến thức và làm việc có quy trình. Họ có khả năng tự cân nhắc và đưa ra quyết định trước mọi vấn đề để đạt được mục tiêu.

Cuộc sống của chúng ta là những trải nghiệm, trong nhiều trường hợp không có sự phân định đúng - sai. Cách nhìn nhận sự việc và hành vi ứng xử đối với sự việc đó thể hiện lối tư duy của mỗi người. 

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn