Cấm hay hạn chế

Thứ năm, 13/10/2022, 11:49 GMT+7

Tuần vừa rồi mình dẫn bạn lớn đi bệnh viện khám mắt sau một thời gian bạn luôn nheo mắt khi đọc chữ không rõ và có cả mất tập trung học, làm việc riêng khi không nhìn thấy bảng.

Mẹ con ngồi chờ đến lượt kiểm tra thị lực cũng khá lâu, khi mà xung quanh hầu như số ca toàn là trẻ con nên việc kiểm tra mắt cũng mất nhiều thời gian hơn người lớn. Các bạn bé nhất là mẫu giáo, 3,4 tuổi, còn độ tuổi cấp I, cấp II như con mình cũng kha khá.

Nhìn xung quanh thì các ông bố và bà mẹ đều có chung một tâm trạng là mong sao thị lực của con không quá tệ, càng ít độ càng tốt. Nhưng khi nhận được kết quả và tư vấn của bác sĩ thì rõ ràng cách ứng xử của mỗi bố mẹ khác nhau.

Có người thì khi bác sĩ tư vấn là hạn chế xem TV, điện thoại, máy tính, chơi game thì câu đầu tiên là “Con em nó đâu có xem TV bác sĩ, nó chỉ xem trên máy tính à, mà cấm máy tính sao nó học”. Có ông bố thì “Thấy chưa con, không có chơi game nữa, nghiện game mới ra nông nổi này, mù mắt tới nơi rồi”. Cũng có bà mẹ cãi lại bác sĩ “giờ nó không ăn thì phải cho nó xem điện thoại nó mới ăn bác sĩ ơi”…Và sau đó là ba hoặc mẹ quay qua đứa trẻ “ dẹp hết, từ nay cấm không được xem điện thoại hay TV, nhớ chưa?” “ Giờ đeo kính luôn rồi thấy chưa?”

Mình ngồi nghe hết các tư vấn và các đối đáp của phụ huynh với bác sĩ, và nói thật, các đối đáp đó mình đều thấy mình trong đó. Mình có cho con chơi game không? Có. Mình có cho con xem TV không? Có. Mình có cho con sử dụng máy tính không? Có (cả học và chơi). Mình có cho con xem nhiều giờ không? Có. Nhất là sau khi đón con đi học về và mẹ phải tất bật nấu ăn buổi tối cho kịp giờ ăn tối và đi ngủ.

Thật ra, đỗ lỗi cho công việc, cho sự bận bịu hoặc một tình huống nào đó mà đưa điện thoại để con ngồi yên là sự bất lực nhất mà mình từng phải và đã làm. Mình thú nhận là nếu mình biết cách chơi cùng con hơn và biết cách bày những điều thu hút hấp dẫn hơn điện thoại, TV, có lẽ con đã không cần phải xin mẹ chơi game hay máy tính. Nhưng, may mắn cho đến lúc này con mình vẫn nghe lời mẹ, dù đang chơi nhưng mẹ yêu cầu dừng thì vẫn vâng lời. Con xin chơi và tự xin mẹ thời gian giới hạn đến khi nào sẽ dừng và cũng không nghiện hay che giấu khi chơi.

Mình biết có một số cha mẹ cấm hoàn toàn các con sử dụng điện thoại hay máy tính. Điều này dẫn đến một số bạn nhỏ lợi dụng việc học trên máy tính để lén truy cập web xem phim hay chơi game. Hoặc một số bạn vì bị cấm nên khi thao tác trên máy tính rất chậm, đến khi học môn tin học cũng khá rụt rè.

Mong người lớn chúng ta tỉnh táo, không khuôn mẫu gò ép, không cấm đoán con khi chúng ta không vừa ý vừa lòng một hoạt động hay thiết bị nào! Chúng ta có thể phân tích việc tốt và xấu khi sử dụng máy tính, điện thoại và giới hạn các thiết theo thời gian cũng như giới hạn truy cập, đừng cấm hoàn toàn.

Đừng đưa ra những định kiến, vì chính những định kiến sẽ giới hạn suy nghĩ của ta về con, và giới hạn luôn cho con trẻ! Vì cách ta nhìn trẻ, sẽ chính là cách trẻ nhìn thấy trẻ đó thôi!

Con người được nuôi dưỡng, không chỉ bằng cơm ăn nước uống, mà còn bằng niềm tự tin và nỗi tự hào, bằng những tôn trọng, và những vuốt ve!

Người đẹp trai đẹp gái hay không, còn quyết định bởi sự tự tin giá trị nội tại bản thân, bởi hạnh phúc và yêu thương, chứ không chỉ bằng môi xinh mũi đẹp mắt sáng, hình dáng bên ngoài.

Người thành công hay không, được quyết định bởi sự hài lòng cá nhân, chứ không phải bằng tiền nong, địa vị.

Người hạnh phúc hay không, được quyết định bằng trái tim của người đó, chứ không phải bằng ánh mắt miệng lưỡi người ngoài.

Thế giới phát triển của một con người, có rộng lớn hay không, lại là do tư duy của chính cá nhân quyết định!Tư duy rộng hay hẹp, lại bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng mà ba mẹ gia đình rót vào, đun vào từ khi còn nhỏ xíu!

Hy vọng chúng ta, với tư cách những con người “lớn từng trải”, bên cạnh việc yêu thương, tôn trọng, tin tưởng con mình, chỉ làm thêm một việc là mở những cánh cửa cơ hội và khám phá cho con, chứ đừng bao giờ đóng lại những cánh cửa của con mình nhân danh yêu thương bảo bọc!

Vì biết đâu, định mệnh vui vẻ của con, lại nằm sau cánh cửa mà chúng ta vô tình đóng lại, “vì con”?!

D.P

TAG:

Ý kiến của bạn