KHOẢNG LẶNG ĐẦU XUÂN

Friday, 25/03/2022, 15:01 GMT+7

Đêm cuối năm, những lo toan, bộn bề của công sở và gia đình được tạm xếp qua một bên, ai cũng nôn nao chờ đón giao thừa - thời khắc khép lại năm cũ Tân Sửu,
một năm có quá nhiều đau thương với nhân loại nói chung và người Sài Gòn nói riêng, để cùng hân hoan đón chào năm mới Nhâm Dần với niềm hy vọng tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế toàn cầu trong trạng thái bình thường mới – sống chung với dịch!
   Khi kim đồng hồ chỉ đúng vạch 12 giờ, những tia pháo hoa được người dân trong khu phố bắn lên sáng rực một góc trời giữa màn đêm đen mực. Tiếng chuông ở tòa tháp nhà thờ Phaolô cất tiếng ngân “Tingtoong, ting toong...”. Bỗng có tiếng còi xe cứu thương hú, một chiếc xe chạy phi mã băng ngang trước cổng nhà tôi. Người cầm lái có vẻ đang tranh thủ từng giây từng phút. Anh đang đưa người trong cơn nguy kịch đến bệnh viện, hay đang đưa ai đó kịp về với gia đình trước phút lâm chung…
    Chúng ta có thể mưu cầu, nỗ lực, phấn đấu hết sức, và đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng khi đối mặt với hiểm họa do dịch bệnh, thiên tai, ta trở nên yếu đuối và bất lực hơn bao giờ hết.

    Hồi tưởng lại thời gian thực hiện 3 tại chỗ (Làm – Ăn – Ngủ tại chỗ) trong gần 3 tháng (từ 13/7-4/10/2021), vừa chống dịch, vừa sản xuất để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng nội địa lẫn xuất khẩu, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, cảm thấy giống như vừa trải qua một cơn ác mộc. Có những lúc đầu óc căng như sợi dây đàn trước những quyết định cân não: “Làm hay dừng”, “Đi hay không”. Trong khi hầu hết mọi người phải “trốn” trong nhà để tránh tối đa rủi ro lây nhiễm bệnh, thì mình lao ra ngoài, xếp hàng hàng giờ đồng hồ ở siêu thị để mua thực phẩm cho bếp ăn của Công ty (vì nhà cung cấp theo hợp đồng phải tạm ngừng hoạt động do bùng dịch). Rồi áp lực chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nhà máy có hơn 40 ca F0 (mắc Covid-19 hay còn gọi là dương tính với SARS-CoV-2) mà vẫn không dừng sản xuất. Duy trì hoạt động, không chỉ để tránh làm đứt gãy chuỗi cung cứng, mà còn nhằm trấn an người lao động, những người đã và đang kiên trì 3 tại chỗ.
     Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhu cầu của con người không chỉ là vật chất cần được đáp ứng mà còn cần được giải tỏa về tinh thần. Nỗi sợ hãi bao trùm toàn xã hội khi mỗi ngày số lượng ca bệnh có lúc lên đến hàng chục ngàn, số ca tử vong cũng mấy trăm ca. Càng hoang mang khi thông tin về dịch bệnh ngồn ngộn trên các kênh truyền thông, còn các quy định thì liên tục thay đổi... Hơn bao giờ hết, người lãnh đạo ở bất kỳ lĩnh vực nào phải thể hiện được bản lĩnh để có thể tự trấn tĩnh, để điều hành tổ chức của mình, và thực thi trách nhiệm xã hội - san sẻ với những người yếu thế và tiếp sức cho đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch.
    Không biết từ khi nào Sài Gòn được gắn cái tên “Sài Gòn bao dung và nghĩa tình”sau những đợt cứu trợ thiên tai ở các tỉnh thành khác. Tôi nghĩ cũng xứng đáng thôi! Những sáng kiến, nghĩa cử dù lớn dù nhỏ của cộng đồng doanh nhân và tấm lòng nghĩa hiệp của người Sài Gòn đã thực sự trợ lực cho chính quyền để giải quyết những vấn đề hóc búa, nan giải. Nào là ATM gạo, bánh mì 0 đồng, siêu thị 0 đồng, Oxy 0 đồng, bếp ăn 0 đồng, túi thuốc 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, chuyến xe 0 đồng..., cho đến cái tận cùng của sự sống - dịch vụ mai táng. Tất cả đều kịp thời và thiết thực.
    Sau tất cả những nỗi sợ, áp lực và lo toan thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, tôi, các thành viên trong đại gia đình, trong công ty, và những bạn bè thân quen đã “thoát nạn”. Được sự che chở của bề trên mà giữ được hơi thở, tôi nhận biết sâu sắc và khắc ghi về điều đó.

    Tương lai một lần nữa rộng mở ở phía trước cho những người không bị dịch bệnh đánh bại. Nhưng những thách thức vẫn còn đó, thậm chí ngày càng đa dạng. Đối mặt và hành xử với thách thức trong sự biến đổi khôn lường của ngoại cảnh là điều mà tất cả mọi người đều phải suy tính, lựa chọn. Những người ở vị trí lãnh đạo và quản lý càng cần thay đổi tư duy và nâng cao năng lực của bản thân, không chỉ ở chỉ số thông minh (intelligence quotient), trí tuệ xúc cảm (emotional quotient), mà chỉ số vượt khó (advisory quotient) là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong 10 năm tới, mô thức lãnh đạo sẽ thay đổi ra sao, những kỹ năng lãnh đạo nào cần được nhận diện và phát triển là điều mà các nhà lãnh đạo và quản lý cần dành thời gian nghiên cứu.
    Những ký ức đau buồn của 2 năm đại dịch sẽ dần đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những kế hoạch và phương án hành động cho tương lai. Tôi dành những khoảng lặng trong giây phút thiêng liêng của thời khắc giao thừa để cảm tạ Chúa hằng sống và ước nguyện sao cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an, nhà nhà bình an sum vầy. Còn tôi, sẽ tiếp tục hành trình tạo ra những phép màu cho chính mình, và đó sẽ là chất liệu cho những trang sách của tôi trong thời gian tới...

                                                                                                                                                                                                                    N.H.Q

TAG:

你的意见