Để tạo được thói quen luôn suy nghĩ lạc quan trong mọi vấn đề thì điều quan trọng là bạn cần để mắt tới hai mặt của vấn đề đó. Đừng chỉ chăm chăm vào mặt tiêu cực mà hãy nhìn vào cả mặt tích cực.
Sống lạc quan trước mọi hoàn cảnh
Khi tiêu cực, con người sẽ có ý nghĩ “Mình có tuổi rồi, có muốn làm điều gì cũng không thể làm được nữa”. Nhưng người sống tích cực sẽ nghĩ “Tuy có tuổi nhưng mình chắc chắn sẽ làm được”.
Hoặc, khi gặp phải khó khăn, nếu trong đầu có suy nghĩ “Hay là bỏ cuộc” thì chắc chắn tâm trạng sẽ trở nên rất u ám. Nhưng nếu đổi thành “Chưa thể bỏ cuộc vào lúc này, mình vẫn còn rất nhiều cơ hội” thì tinh thần sẽ phấn chấn lên rất nhiều.
Khi có thể nhìn ra mặt tích cực của vấn đề, vận khí trong tâm chắc chắn sẽ tăng lên và mọi chuyện sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.
Chuyện kể rằng, có một vị doanh nhân, khi đang trên đường tới Mỹ để làm việc thì bị mắt kẹt tại Hawaii, do các chuyến bay đến Mỹ bị dừng hoạt động vì các cuộc tấn công khủng bố. Lúc ấy, người doanh nhân đã nghĩ “Mới bắt đầu mà mọi chuyện đã không suôn sẻ rồi. Dù đã rất cố gắng nhưng mọi chuyện không thể thay đổi được, hay là mình thử kinh doanh luôn tại Hawaii nhỉ”.
Nghĩ là làm, không quan tâm đến việc được hay mất, ông bắt tay vào khai thác sản phẩm mới tại Hawaii. Và ông đã thành công.
Gặp điều tồi tệ, không có nghĩa là mọi chuyện sẽ trở nên xấu đi. Hãy nghĩ rằng những điều không may mắn xảy đến có thể là sự chỉ dẫn của các vị thần giúp ta xoay chuyển vận mệnh theo hướng tích cực.
Trân trọng bản thân
Giận dữ, ghét bỏ, đố kỵ, bất an, lo lắng, cảm thấy mình thua kém là những cảm xúc tiêu cực thường có ở những người không trân trọng bản thân. Những suy nghĩ yếu đuối tiêu cực sẽ khiến con người ta không còn tin tưởng vào bản thân nữa và rơi vào trạng thái tự ti, chán ghét chính con người mình.
Điểm yếu và điểm mạnh là hai mặt không thể tách rời. Tốt nhất ta nên chấp nhận nó như là cá tính của riêng mình.
Nếu bạn thấy mình là người nhút nhát và nhạy cảm, hãy nghĩ rằng tính cách nhút nhát là cơ sở để mình có lối sống cẩn trọng hơn. Sự nhạy cảm là lý do để mình cẩn thận hơn trong mọi việc. Chính vì vậy, mình sẽ không gặp phải những thất bại.
Khi coi những nhược điểm là điểm thu hút của riêng mình thì mọi chuyện sẽ dễ chịu hơn nhiều. Cách suy nghĩ như vậy cũng sẽ dẫn dắt bạn đến với cuộc sống biết trân trọng và yêu thương bản thân hơn.
Các biểu hiện của việc biết yêu thương bản thân mình:
Không để cảm xúc của mình bị thao túng bởi đánh giá của người khác. Khi không bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác thì số lần trái tim bạn hướng về phía tiêu cực sẽ giảm đi đáng kể. Việc này có thể giúp bạn tích lũy thêm nhiều vận khí hơn.
Biết đưa ra tín hiệu “cầu cứu”. Nếu có một việc nào đó khiến bạn nghĩ rằng đó là một trách nhiệm nặng nề đối với bản thân thì đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác. Ngược lại, khi ai đó gặp khó khăn, hãy dốc sức mình giúp đỡ họ. Điều này giúp bạn xây dựng mối quan hệ với những người khác, giúp bản thân giảm bớt gánh nặng công việc và là một yếu tố quan trọng giúp giảm đi những cảm xúc tiêu cực.
Làm công việc mình yêu thích. Lựa chọn được ngành nghề thích hợp mới có thể phát huy được hết tiềm năng mà bạn đang có, tốc độ trang bị kỹ năng và kiến thúc của bạn cũng sẽ nhanh hơn, bạn sẽ cảm thấy được sống là chính mình. Điều này giúp cho vận khí của bạn tăng dần lên.
Tự thưởng cho bản thân. Sau khi hoàn thành được một mục tiêu, bạn hãy tự thưởng cho mình. Bạn phải vui vẻ thì mới có thêm hứng thú trong công việc, nhờ vậy mới có thể giữ gìn khí lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Vận khí sẽ đọng lại trong trái tim của người luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn những điều dù nhỏ nhất. Nếu bạn luôn cảm thấy biết ơn mọi chuyện khi hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra thì những con sóng cảm xúc ấy sẽ chuyển hóa trở thành vận khí của bạn.
(Kỳ cuối: 9 thói quen kiến tạo vận may: Vui vẻ, trân trọng và tận tâm với người khác)
KIM HOA
(Theo Tôi trồng cỏ 4 lá – 9 thói quen kiến tạo vận may, tác giả: Akira Uenishi)
TAG: