Văn hóa ứng xữ nơi công cộng

Thứ tư, 31/01/2018, 10:27 GMT+7

Trong không gian giao tiếp ngày càng mở rộng như hiện nay thì văn hóa ứng xử của mỗi người cần được nâng lên tầm cao mới để phần nào xóa đi thành kiến “cha chung không ai khóc” và tô đẹp thêm cho môi trường văn hóa nơi bản thân đang sinh sống, học tập.

Có thể hiểu, giao tiếp nơi công cộng là một khái niệm chỉ chung cho các quan hệ ở những nơi đông người, với những người mà ta chỉ thoáng gặp tình cờ trong đám đông. Đặc điểm của những mối quan hệ giao tiếp này là ta sẽ được người khác – những người mà ta giao tiếp nhìn nhận một cách đơn giản như là trong quan hệ giữa con người với con người. Bởi vì ta chỉ xuất hiện trước mắt họ với những gì của chính bản thân ta đang có như trang phục, cử chỉ, phong cách nói năng, đi đứng... Ngoài ra, những thứ có tính bao hàm như cương vị xã hội, gia đình, quyền lực hay tri thức, thậm chí danh tiếng có được... chỉ đóng vai trò rất nhỏ hoặc không có gì trong những mối quan hệ thoáng qua này.

Một nhà xã hội học sau khi phê phán sự đi xuống trong nhận thức văn hóa ứng xử công cộng của một phần giới trẻ hiện nay đã đúc kết: “Giao tiếp nơi công cộng là sự giao tiếp làm bộc lộ rõ nét nhất sự lịch thiệp và khả năng giao tế của mỗi người. Bởi vì bạn phải hoàn toàn dựa vào chính mình để tạo ra một ấn tượng – tốt hoặc xấu – trong mắt nhìn của những người mà bạn giao tiếp, hoặc thậm chí không hề giao tiếp mà chỉ là được nhìn thấy. Nguyên tắc đầu tiên trong giao tiếp nơi công cộng là phải tôn trọng người khác. Sự tôn trọng này xuất phát đơn giản từ chính bản thân bạn, một người biết sống đẹp, mà không cần phân biệt người mình đang giao tiếp đó là ai, bởi vì bạn thật ra bạn cũng không thể biết được là đang giao tiếp cùng với ai cả”.

Nói như vậy để thấy rằng các quan hệ giao tiếp nơi công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của một con người. Suy cho cùng, nếu đã là người có một nếp sống đẹp thì điều đó phải có nghĩa là sống đẹp với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng gì với những người mà ta đã từng quen biết. Sự tôn trọng người khác được thể hiện cụ thể qua ngôn ngữ và cử chỉ của chúng ta. 

Khi ta đến những nơi công cộng, điều nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng là hãy thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách sử dụng đúng lúc những cụm từ “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách thành tâm. Với nhiều người thì cho rằng đây chỉ là những nghi thức xã giao, những ngôn từ “cửa miệng” nhằm để tạo ra vẻ lịch sự tối thiểu cho một con người, thế thôi! Và điều đó là một sai lầm. Chúng ta sinh ra trong cuộc sống này vốn dĩ đã chịu ơn của tất cả mọi người chung quanh. Bản thân ta không thể tồn tại hoặc làm nên chuyện gì nếu không có những sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên ngoài. Xã hội càng phát triển thì con người càng phụ thuộc vào nhau. Thừa nhận mối tương quan đó và chân thành biết ơn người khác là một cách suy nghĩ đúng đắn khởi đầu cho một nếp sống đẹp.

Lời xin lỗi nếu được sử dụng đúng lúc có tác động xoa dịu một sự khó chịu hoặc bực mình do một hành vi nào đó của chúng ta tạo ra cho người khác, dù là nhỏ nhặt. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tự hạ thấp mình mà là ngược lại nó cho thấy sự tôn trọng người khác và cũng là tôn trọng chính mình. Người khôn ngoan không bao giờ hạn chế những lời cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết.

Nói tóm lại, trong giao tiếp nơi công cộng, biết tôn trọng người khác và ứng xử một cách khiêm tốn, lễ độ là những bí quyết đơn giản giúp ta tạo được ấn tượng đẹp trong mắt nhìn của người khác. Trong khi đó những nỗ lực nhằm lôi kéo sự chú ý hay phô trương bản thân chỉ tạo ra tác động ngược lại và đó là điều không mong muốn nhưng khi nhận ra thì có thể xem là quá muộn để cải thiện lại bản thân.

Hoàng Sơn

TAG:

Ý kiến của bạn