Tự cấp chứng nhận xuất xứ

Thứ tư, 17/01/2018, 15:10 GMT+7

Trước tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nhóm kinh tế ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn cầu, lãnh đạo các nước ASEAN cho rằng cần tìm những giải pháp liên kết, hỗ trợ nhau để cùng phát triển, muốn vậy ASEAN phải là một khối thống nhất trong phát triển thương mại cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Nhiều chuyên gia e ngại một viễn cảnh “cá lớn nuốt cá bé” trong tình hình kinh tế thế giới chững lại và biến tấu qua nhiều vai trò khó lường.

Thực trạng đó buộc chúng ta phải bước vào “sân chơi” chung để chia sẻ và được sự hỗ trợ thị trường xuất khẩu từ các nước khu vực. Như vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, không có những bước đệm chỉ đạo cần thiết từ cấp Nhà nước về cải cách thủ tục hành chánh ở khâu thuế, hải quan… thì con thuyền doanh nghiệp Việt Nam quả thật khó lòng vượt qua cơn sóng lớn.

Ngày 26/11/2014, Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phối hợp với tổ chức USAID (Hoa kỳ) tổ chức hội thảo giới thiệu cho các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có khuôn khổ ASEAN và sự tham gia của Việt Nam thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về việc gia nhập Ban ghi nhớ thực hiện dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa số 2 trong ASEAN.

Cần thấy rằng việc tham gia vào các dự án xác nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan XNK là một xu thế tất yếu, bắt buộc trong đàm phán của một số hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trading Area) thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam – EU (Châu Âu), TPP (hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương với mục tiêu đưa sản phẩm các nước thành viên tham gia vào những thị trường lớn trong đó có Hoa kỳ với mức thuế nhập khẩu xét giảm đến 90%).

Theo lộ trình của ASEAN, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa dự kiến sẽ được áp dụng song song với hệ thống thông thường như hiện nay. Hiện nhóm nước ASEAN đang triển khai 02 dự án thí điểm gồm:

* Dự án thí điểm số 1 (SC1 – Self-Certificate 1) đã thực hiện từ năm 2010 với sự tham gia của Singapore, Malaysia và Brunei.

* Dự án thí điểm số 2 (SC2 – Self-Certificate 2) đã thực hiện từ năm 2014 với sự tham gia của Philippines, Indonesia và Lào. Và Việt Nam sẽ tham gia dự án này.

Nói nôm na, đây là dự án thí điểm việc cho phép các nhà sản xuất (trực tiếp) tại Việt Nam được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của đơn vị mình sau khi gởi hồ sơ xác nhận chữ ký của tối đa 03 người có trách nhiệm ký trên tờ khai hóa đơn (commercial invoice) và tên sản phẩm xuất khẩu đến các nước thuộc dự án sẽ được các nước đó cấp một mã số duy nhất dùng kê khai xuất xứ ngay trên invoice bao gồm ghi HS code sản phẩm để nhập khẩu vào nước đó. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể đủ điều kiện được chấp nhận bởi họ phải tuân theo các tiêu chí lựa chọn như: 

- Nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu.

- Không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa, thuế và hải quan.

- Có kim ngạch xuất khẩu đáp ứng yêu cầu nhất định.

- Có cán bộ chuyên trách về xuất xứ hàng hóa và có đủ kiến thức về xuất xứ và các quy định về xuất xứ hàng hóa (một dạng như chứng chỉ hành nghề).

Cái lợi của cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thứ nhất là nhà sản xuất có thể cung cấp chứng từ về xuất xứ hàng hóa ngay cho nhà nhập khẩu mà không phải mất thời gian chờ đợi cơ quan thẩm quyền xét duyệt như thông thường. Thứ hai, sẽ đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí giao dịch khác. Thứ ba, do nắm rõ sản phẩm nên nàh sản xuất sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng C/O theo các FTA để từ đó hưởng ưu đãi về thuế. Thứ tư, do không phải tuân theo biểu mẫu nhất định nên có thể tránh được các lỗi sai sót chính tả thường gặp. Về cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ tiết kiệm nhân, vật lực, tiết kiệm được chi phí quản lý vận hành… và khi phát hiện gian lận trong xuất xứ hàng hóa thì chỉ việc truy cứu trách nhiệm (có thể quy vào hình sự) hoặc rút giấy phép hoạt động của nhà xuất nhập khẩu và truy thu theo quy định.

Cái khó của tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là những rủi ro phát sinh khả năng gian lận thương mại về xuất xứ các trường hợp hàng quá cảnh qua Việt Nam, nhập nguyên vật liệu kể cả bán thành phẩm, thành phẩm về gia công đơn giản rồi đóng gói dưới xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế suất và nguy cơ này có ở hàng nập và xuất khẩu. Khi xảy ra trường hợp như vậy, uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất thị trường xuất khẩu và bị truy cứu trách nhiệm tùy mức độ. Còn ở tầm vĩ mô, uy tín ngành hàng cũng bị soi xét trên thương trường quốc tế, mất khả năng cạnh tranh.

Để làm tốt tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hội thảo đã nghe tham luận của các chuyên gia cũng như ý kiến của đại diện các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tốt nhất mà theo đó cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt vai trò tham mưu, chuẩn bị các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, quy chuẩn để doanh nghiệp làm cơ sở tham khảo và đưa ra quyết định cuối cùng khi tham gia dự án. Cũng nên nhớ rằng tham gia dự án thí điểm số 2 thực tế chỉ mới dành cho 3 thị trường mà xem ra kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường đó cũng chưa là con số đáng kể đó là Philippines, Indonesia và Lào. Tuy nhiên, tham gia hội nhập là một cuộc chơi mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc nhìn ngắm hay chỉ để cưỡi ngựa xem hoa.

Gia Tài

TAG:

Ý kiến của bạn