Nhận lời mời của BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can mùa giải thứ 4, tôi cùng một số doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sài Gòn đã đến Trường Đại học Đồng Tháp vào một buổi chiều thứ bảy (19/4/2014) với vai trò diễn giả, để giao lưu với các sinh viên xoay quanh chủ đề “Hành trang khởi nghiệp”.
Hội trường dường như không còn chỗ trống. Nét mặt các sinh viên cho thấy họ đã sẵn sàng được hỏi và được nghe doanh nhân nói. Không như những lần giao lưu các năm trước, các bạn sinh viên nay quan tâm đến những vấn đề gắn liền với cuộc sống thực tế nhiều hơn. Qua cách đặt câu hỏi của các em, chúng tôi hiểu rõ băn khoăn của giới trẻ trước một thực trạng sinh viên ra trường thường phải làm việc ngoài ngành (trái ngành học của mình).
“Làm thế nào để có được tâm lý vững vàng trước nhà tuyển dụng?”, “Liệu danh tiếng của trường đại học và cao đẳng sẽ quyết định cơ hội việc làm hoặc nguy cơ thất nghiệp sau khi sinh viên ra trường?”, “Nhà tuyển dụng cần các kỹ năng gì ở sinh viên mới tốt nghiệp ra trường?”, “Để có được sự thành công như ngày hôm nay, các anh chị doanh nhân đã nhờ vào những yếu tố gì, cũng như rèn luyện những tố chất nào để vượt qua những khó khăn, thất bại?”, “Tư tưởng và đạo làm giàu của Lương Văn Can có gì hay để các thế hệ sau học hỏi?”…
Tôi cùng 3 diễn giả gồm doanh nhân Lại Minh Duy - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST; doanh nhân Đặng Mỹ Châu - đồng sáng lập, Giám đốc khối miền Nam chi nhánh TP.HCM Tổ hợp giáo dục Topica; doanh nhân Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia và một số doanh nhân khác như bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên, ông Phan Công Chính - Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Toàn Cầu, ông Tôn Thạnh Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty nút áo Tôn Văn đã lần lượt hệ thống lại những kiến thức, kỹ năng mà các bạn sinh viên cần chú ý và rèn luyện ngay khi còn ngồi trên giảng đường, đó là: học tính trung thực ngay từ khi chấp bút viết thư xin việc làm, mạnh dạn bày tỏ khả năng đáp ứng trước nhu cầu của nhà tuyển dụng, ý thức tính kỷ luật trong giờ giấc ngay từ buổi phỏng vấn đầu tiên, thích nghi với văn hóa doanh nghiệp để chủ động hòa nhập…
Những câu chuyện người thật việc thật “thà chấp nhận mất tiền chứ không chịu đánh mất uy tín về cam kết chất lượng sản phẩm với đối tác nước ngoài và trong nước” của Công ty Tài Nguyên và New Toyo đã giúp các bạn sinh viên hiểu được mức độ cần thiết và những giá trị thực mang lại từ sự trung thực và hiếu nghĩa. Đấy cũng chính là tư tưởng - đạo làm giàu của “người thầy của giới doanh nhân” Lương Văn Can mà chúng tôi - những doanh nhân đồng hành cùng BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can đã, đang và sẽ cổ súy và truyền bá đến giới trẻ - những thế hệ doanh nhân tương lai.
Xã hội chúng ta rất cần những doanh nhân làm giàu có đạo đức. Những năm kinh tế suy thoái gần đây đã minh chứng một điều rằng chỉ có những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật; biết chú trọng đến chất lượng sản phẩm và cảm xúc của người tiêu dung; biết quan tâm đến đời sống và lợi ích thiết thực của người lao động, cổ đông; biết gìn giữ môi trường và tái tạo tài nguyên thì mới tồn tại và phát triển được. Đó chính là giá trị bền vững của sự trung thực và hiếu nghĩa!
NHQ
TAG: