Cuộc sống hiện nay có nhiều điều buộc phải thay đổi để thích nghi và tồn tại. Việc trình bày một vấn đề hay nêu quan điểm cá nhân như thế nào để người nghe đồng ý, chấp thuận là cả một nghệ thuật từ sự khôn khéo và lập luận. Nhà quản lý nếu cứ áp đặt và mệnh lệnh một cách cứng nhắc theo kiểu truyền thống thì không giúp cho nhân viên nâng cao hiệu quả công việc mà chỉ đẩy họ vào sự miễn cưỡng, mất đi sự nhiệt tình như kỳ vọng. Mặt khác, khi bạn không có “quyền” để ra lệnh cho ai đó, bạn phải khéo léo sử dụng những thủ thuật tâm lý để thuyết phục được họ nghe theo lời bạn. Hãy tự đặt mình vào vai một người diễn thuyết, còn người nghe sẽ là khán giả thì nguyên tắc ban đầu là phải tìm hiểu đối tượng của bạn, họ là ai và tại sao họ lại nghĩ như vậy, làm như vậy? Để làm gì? Là để có được 2 mục đích quan trọng sau:
- Sự đồng cảm từ đó thiết lập được một mối liên hệ gần gũi.
- Có thể cấu trúc tốt hơn những tranh luận để đưa ra tại sao những quan điểm của bạn nghe hợp lý hơn của họ.
Kỹ năng thuyết phục chỉ ra một quy luật rằng nếu bạn muốn nhận thứ gì hãy làm cho người khác những điều tương tự. Thật chẳng có gì hiệu quả mà đơn giản hơn là làm cho người khác điều mà chính bạn cũng mong muốn dù đó là gì chăng nữa như tình yêu, lòng tin thậm chí niềm vui. Và nếu nhận thấy nó có tác dụng trong cuộc sống thì tại sao lại không thể áp dụng nó trong công việc của mình? Trong kinh doanh, hãy tạo ra giá trị cho khách hàng trước khi thu được lợi nhuận. Nếu là một nhà quản lý, hãy cho nhân viên của bạn thấy bạn tôn trọng, tin tưởng và sẵn lòng hợp tác với họ, chắc chắn bạn sẽ có được điều tương tự từ phía nhân viên của mình. Đó là sự cho và nhận.
Con người thường yêu mến những ai có lòng yêu mến họ. Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy bạn yêu quý họ và lẽ thường họ sẽ coi bạn như một người thân thiết . Khi đó họ sẽ dễ dàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của bạn. Chỉ cần tỏ ra quan tâm và yêu mến mọi người, đôi khi bạn nhận được những kết quả không ngờ tới. Thứ nhất phải luôn nhìn ra những ưu điểm của mọi người. Không ai là hoàn hảo cả, hãy độ lượng trong việc đánh giá người khác dù nhiều khi điều đó không dễ dàng. Biết được điểm mạnh hay điều gì thú vị về người khác thì đừng tiếc lời khen ngợi, tuy nhiên điều quan trọng lời khen đó phải chân thành, đúng lúc, đúng nơi. Thái độ khen ngợi cũng rất quan trọng, đừng để nó đi ngược lại với lời nói vì nhiều khi thái độ của con người còn có sức thuyết phục hơn lời nói. Thứ hai, hãy chia sẻ những điểm chung của bạn với người khác. Sự tương đồng trong cuộc sống, những quan tâm lo lắng chung, thậm chí cả sở thích giống nhau cũng có thể tạo ra lòng tin và trên hết là sự đồng thuận. Thứ ba, hãy tránh thuyết phục, tranh luận với ai vấn đề nào đấy trong thời gian họ bị stress hoặc có những mối lo lắng, mà cần tìm hiểu những trạng thái tâm lý chung và đặt mình vào hoàn cảnh của người đó để có giải pháp tốt nhất.
Thông thường khi mọi người hay nghe theo lời khuyên của các chuyên gia. Người ta có khuynh hướng tin vào lời khuyên của những người có chuyên môn hay đáng tin cậy trong một lĩnh vực nào đó. Nếu một chuyên gia nói ra điều gì thì điều ấy sẽ là sự thật. Bởi vậy, nên sử dụng quy luật này khi bạn cần tạo lòng tin từ chính năng lực và kiến thức của mình chứ không phải là sự chắp vá hay nói hùa theo ý tưởng người khác. Nếu là nhà kinh doanh thì hãy cho khách hàng thấy bằng chứng về thành công của bạn, còn nếu là nhà quản lý hãy cho các đối tác và nhân viên của bạn thấy được kinh nghiệm và kỹ năng của mình. Bởi vậy, ngoài việc thuyết phục tốt, bạn cần tự trang bị thêm kiến thức chuyên môn cho bản thân.
Kỹ năng thuyết phục và dẫn dụ người khác thực sự rất quan trọng nhất là trong nghệ thuật quản lý, bởi đó là phần tất yếu để đạt tới thành công.
Gia Tài
TAG: