Thời đại của đổi mới

Thứ ba, 02/01/2018, 15:54 GMT+7

Nhắc lại một chút về những thời điểm trước đây của loài người, những cột mốc lịch sử có tính khai phá mở ra các kỷ nguyên mang tính thay đổi thế giới quan nhân loại, điều mà khi đang sống trong những năm đó chẳng ai “dám” nghĩ đến. Đó là thời kỳ 1.0 bằng bước chuyển biến đột phá từ thế kỷ XVIII ở Châu Âu mà phát triển nhất ở lục địa già Anh quốc đó là phát minh ra máy hơi nước, cơ khí hóa công xưởng được hình thành thay thế sức người hàng trăm, hàng nghìn lần. 

Với giai đoạn chuyển tiếp của thời kỳ 2.0 bằng cuộc cách mạng công nghiệp, điện khí hóa khiến các nước Châu Âu trở nên hùng mạnh. Bước sang 3.0 là thời kỳ không ai có thể phủ nhận sức mạnh của công nghệ, máy tính điện tử, mạng viễn thông hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ XX trong việc phục vụ đời sống con người với điểm khởi đầu từ Hoa Kỳ và lan sang các nước khác một cách nhanh chóng. Đến thời kỳ 4.0, thời đại mà chúng ta đang sống, làm việc và mất khá nhiều thời gian cho các ứng dụng trên internet để kết nối nhau, hội nhập, trao đổi và giao thương. Đó là yếu tố cực kỳ thuận lợi nhưng cũng không kém phần rủi ro, bất trắc bởi mặt trái mà internet mang lại, đây là thời kỳ mà ta hay gọi là thực tế ảo, thế giới phẳng. Chưa đến nhưng không thể không chạm ngõ với thời kỳ 5.0, khi mà trí tuệ nhân tạo được phát triển, nhân rộng và phổ biến trong thế giới loài người, chi phối và can thiệp vào mọi ngõ ngách đời sống con người và cả những hệ lụy mà chưa ai đoán trước được điều gì…

Quay lại với chúng ta hôm nay, thời kỳ 4.0 với đất nước ta vẫn còn lắm mới mẻ, chưa nói là khái niệm 4.0 vẫn còn mơ hồ lắm. Bởi nói tới 4.0 là nói tới nền kinh tế tri thức đồng hành cùng thời đại số tức là quản lý con người khác với cách quản lý truyền thống. Điều này lý giải tại sao trong nền văn minh nhân loại mà kỹ thuật số mang lại thường thay đổi một cách nhanh chóng qua từng thế hệ về tư duy lẫn thái độ và cả ngôn ngữ giao tiếp.

Việc hội nhập và toàn cầu hóa những năm gần đây có thể xem là quy luật và buộc phải chấp nhận để tồn tại trước biến động và thay đổi đến chóng mặt của xã hội. Có những dự kiến hình thành nhưng rồi bị phá vỡ một cách khó lường, có những chân giá trị bị biến tướng dưới góc nhìn chủ quan mà cứ ngỡ đó là quan điểm mang tính thời thượng. Thời kỳ của quá nhiều chiêu thức mà nếu bản thân thiếu đi sự tự tin và quyết đoán thì đôi khi như lạc bước vào chốn vô hình. 

Tóm lại, quản trị thời 4.0 không đơn giản như khi đưa ra một quyết định để thực hiện chúng hoàn hảo mà quyết định đó có khi bị đảo lộn do môi trường và bối cảnh lúc làm khác hẳn lúc dự kiến ban đầu. 

Như vậy, nên chăng cần một thứ “quản trị bằng tự trị” như một chuyên viên tư vấn quản trị có tiếng đã từng nói? Đây là thứ quản trị đặc thù tức mỗi cá nhân phải tự quản trị lấy chính mình, quản trị bằng chính lương tri và trách nhiệm của bản thân mà không cần đến sự kiểm soát, hay nói cách khác là theo xu hướng tự do. Quả là khó khi mà tính cá nhân và lợi ích riêng bị đặt lên quá cao trong suy nghĩ mỗi người nhưng tình thế buộc nhà quản trị phải tư duy, tìm ra lối đi cho riêng mình để tồn tại. 

Phải biết lãnh đạo chính mình và dẫn hướng cho người khác tự lãnh đạo họ, đó là cách đặt vấn đề của thời kỳ 4.0 để nâng tầm: “Lãnh đạo mà không lãnh đạo - Quản trị mà không quản trị”.
 

Tâm Can

TAG:

Ý kiến của bạn