Thợ vụng than đồ nghề

Thứ tư, 31/01/2018, 11:04 GMT+7

"Đổ thừa” là căn bệnh trầm kha rất thường gặp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ở đâu có sự tương tác giữa con người với con người thì ở đó sẽ dễ nảy sinh ra những vấn đề liên quan đến tính trách nhiệm cá nhân mà các bên thường dễ đổ lỗi nhau. 

Đổ thừa không đơn thuần chỉ là hành vi trốn tránh trách nhiệm bản thân, mà còn biến tướng sang việc quy trách nhiệm cho người khác. Đó là một hành vi thiếu tự trọng, không dám thừa nhận yếu kém của bản thân để chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình.

Không khó để nhận biết hành vi này trong môi trường sống và làm việc:
Con cái suốt ngày mê mẩn với những trò chơi điện tử, tụ năm tụ bảy lêu lổng, đến khi kết quả học tập kém hoặc phát sinh tệ nạn thì lại đổ thừa cha mẹ thiếu quan tâm. Trên thực tế, những thứ họ được ăn, được mặc và kể cả học phí của họ do ai chu cấp? Nếu cha mẹ không làm việc thì làm sao có tiền chu cấp cho họ? Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng không thể phủ nhận một phần trách nhiệm thuộc về người lớn. Một số bậc phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng dẫn dắt con nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một rộng ra, khiến cha mẹ không kịp thời điều chỉnh những hành vi, nhận thức sai lệch của con.

Cha mẹ và con cái là hai thế hệ, không thể tránh được sự khác biệt về nhân sinh quan, nhưng khi có sự bất đồng quan điểm thì cha mẹ đã vội quy chụp là “con khó dạy”, thậm chí còn than vãn “số phận” mình không có mụn con hiếu thảo như “con nhà người ta”. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại sách về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy con cái một cách khoa học, nhưng chưa nhiều bậc phụ huynh thấy mình cần phải đọc những loại sách đó.

Học sinh không hiểu bài, không làm bài tập được thì đổ thừa cho giáo viên dạy dở. Trên thực tế họ không chuẩn bị tinh thần và một thái độ nghiêm túc trong học tập thì làm sao nghe được và hiểu được những gì thầy cô chia sẻ trên bục giảng.

Giáo viên chủ nhiệm có số học sinh giỏi, tiên tiến kém hơn những lớp cùng khối thì đổ thừa cho học sinh thời bây giờ lười học. Trên thực tế, họ có bao giờ nghĩ đến việc cách tân giáo án, thay đổi phương pháp dạy học sao cho theo kịp các nước khu vực đang phát triển? 

Người lao động không hoàn thành năng suất thì đổ thừa cho máy móc cũ kỹ, nguyên vật liệu không đạt chuẩn, môi trường làm việc không tạo động lực, quản lý trực tiếp không có mặt thường xuyên để giúp đỡ… Trên thực tế, có bao giờ họ nghĩ đến tầm quan trọng của việc vệ sinh máy? Họ có sẵn lòng đi thu dọn những gì họ làm vương vãi? Họ có tuân thủ các quy trình vận hành một cách nghiêm túc? 

Quản lý không đạt được chỉ tiêu năm thì đổ thừa cho nhân viên kém thông minh, không nhiệt tâm hợp tác, không dốc sức làm việc. Trên thực tế, họ có bao giờ nghĩ đến việc khích lệ nhân viên phát triển? Có bao giờ họ dành thời gian suy xét những lỗ hổng trong kỹ năng giao tiếp và dẫn dắt của bản thân? 

Người tham gia giao thông thường xuyên than phiền rằng hạ tầng giao thông quốc gia kém – đường hẹp, nhiều ổ gà ổ voi, rồi ngập nước… Thực tế, có tuân thủ những đèn tín hiệu và biển báo giao thông khi lưu thông trên đường hay họ cứ quen lấn lướt, đi trái chiều và di chuyển theo thói quen? Rồi họ có thực hiện nghiêm túc việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, hay chỉ quan tâm đến việc làm sạch trong ngôi nhà của mình? 

“Thợ vụng than đồ nghề” ám chỉ những người hay đổ thừa, cho rằng việc họ không hoàn thành năng suất, chỉ tiêu hay nhiệm vụ đều được cho là do nguyên nhân từ bên ngoài. Họ không dám thừa nhận những sai trái, khiếm khuyết của bản thân. Thay vì loay hoay với câu hỏi “tại sao” hay trả lời theo kiểu “nhưng, vì, tại, bởi…”, nên chăng đi thẳng vào vấn đề bằng các câu hỏi “làm thế nào để khắc phục”, “thay đổi bằng cách nào”, hiệu suất và hiệu quả làm việc chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực. 

Nhận thức được trách nhiệm cá nhân sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi người. Hãy thử với những công việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hằng ngày và duy trì nó thành những thói quen tốt, một lúc nào đó “phép nhiệm màu” sẽ xuất hiện. Khi ấy bạn sẽ mỉm cười vì những gì bạn gặt hôm nay chính là những gì bạn đã gieo vào hôm qua…

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn