Nuôi dưỡng tâm hồn

Thứ tư, 05/06/2019, 10:17 GMT+7

Chúng ta được sinh ra rồi sống, làm việc và đóng góp cho xã hội không ít thì nhiều để cuộc sống bản thân có ý nghĩa hơn. Thời gian gần đây, mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin không thể đau lòng hơn về những đứa cháu bất hiếu chỉ vì không được đáp ứng tiền bạc để sắm chiếc điện thoại cho bằng chúng bạn đã nhẫn tâm giết chết bà ngoại, những đứa con vì mẹ đi làm về muộn nấu chậm bữa cơm mà sẵn lòng hất đổ với những câu chưởi bới, mạt sát khó nghe thậm chí đứa nhóc cỡ lớp một, lớp hai vì mẹ không cho tiền mà sẵn sàng vác cây đuổi đánh mẹ mình… Cả khi con cháu dù đã trưởng thành, có gia đình đề huề nhưng chỉ vì chút tị hiềm tham lam vẫn sẵn lòng đẩy cha mẹ ra ngoài đường không thương tiếc trong trời mưa gió mặc cho những lời chê bai của bà con xóm giềng. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu? Do cách nuông chiều trẻ thái quá trong gia đình từ bé hay do cha mẹ nhu nhược trong cách dạy dỗ con cái mà nên chăng? Có khi nào đó là hệ quả của việc bị ảnh hưởng những loại phim ảnh, trò chơi bạo lực đang đầy rẫy trên mạng mà thiếu sự kiểm soát…

Nhân ngày của Mẹ 12/5, tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện có thể xảy ra hàng ngày ở đâu đó trên thế giới rộng lớn này cũng như chúng ta đã từng nghe bao câu chuyện khác về cách đối xử vô tâm với đấng sinh thành từ tính ích kỷ của bản thân rồi chọn cho mình một thái độ ứng xử đúng đắn.

Một hôm, cô gái và người mẹ cãi nhau vì một nguyên nhân cỏn con, sau đó cô gái bỏ nhà đi trong một buổi chiều trời trở gió. Cô ấy đi rất lâu qua nhiều ngã đường. Thấy phía trước có một tiệm mì và cô lại đang đói bụng. Khi sờ vào túi thì một đồng cũng chả có. Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, thấy cố gái đứng đó, bèn hỏi: “Có phải con muốn ăn mì không?”. Cô gái trả lời một cách ngại ngùng: “Nhưng con không mang theo tiền”. “Không sao, bà mời con ăn”.

Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi khiến cô gái rất cảm kích. Mới ăn được một ít thì nước mắt đã tuôn rơi khiến nhiều người khách phải quay nhìn ái ngại chẳng hiểu chuyện gì. Bà chủ đến ngồi bên cạnh, an ủi: “Con bị làm sau vậy?”. Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói: “Con không sao hết. Con chỉ rất cảm kích lòng tốt của bà. Con và bà không hề quen biết nhau thế mà bà đã đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn. Con đã cãi lời mẹ và bà ấy đã đuổi con ra khỏi nhà. Bà ấy còn bảo con đi đâu thì đi đừng quay về nhà, không biết bà ấy có phải là mẹ của con không nữa?”. Bà chủ tiệm nghe xong, mỉm cười nói: “Sao con lại nghĩ như vậy? Con thử nghĩ xem trên đời này cha mẹ nào mà không thương con? Còn bà chỉ mới nấu cho con một tô mì mà con lại thấy cảm kích. Vậy mẹ con nấu cho con ăn suốt mười mấy năm nay mà có khi nào con  nói lời cảm ơn tới mẹ chưa? Sao con không thấy điều đó mà còn cãi nhau với mẹ!”.

Nghe xong cô gái lặng người. Cô ăn hết tô mì một cách vội vã rồi lập tức chạy về nhà. Khi vừa đến đầu ngõ đã thấy mẹ đứng trước cửa đợi chờ. Thấy cô, khuôn mặt người mẹ giãn ra với nụ cười hết sức vui mừng: “Mau mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong hồi nãy, thức ăn đã nguội rồi để mẹ hâm lại cho nóng nhé!”. Lúc đó nước mắt cô gái lại chảy tràn trên má. Ngoài trời sấm chớp đì đùng báo hiệu một cơn giông sắp kéo đến...

Trên đời này, đôi khi chúng ta chỉ nhận được một chút ân huệ của người khác mà chúng ta lại thấy đó là một điều vô cùng lớn lao và cảm kích trước nghĩa cử đó, nhưng đối với ân tình của người thân dành cho chúng ta hàng ngày từ lời hỏi thăm, động viên, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ thì chúng ta lại coi như là chuyện binh thường và không hề lấy đó làm vui sướng. Nghe qua cứ như là một nghịch lý nhưng khi hiểu ra thì mọi nghịch lý đó chỉ được thay đổi từ chính chúng ta, từ chính nhận thức và thái độ của bản thân ngay từ bây giờ và đừng để đến lúc quá muộn…

Mai Chi

TAG:

Ý kiến của bạn