Nhiều người cho rằng khi nói trước đám đông (thuyết trình), bản thân thường bị “khớp”, toát mồ hôi, run và có khi lại thấy đau bụng… Vâng, đó chỉ là những yếu tố tâm lý tác động lên thần kinh não bộ trong hoàn cảnh mà cảm xúc sợ hãi trước hàng chục cặp mắt đang đổ dồn về phía mình như phán xét từng hành vi, câu chữ.
Thuyết trình hiện nay không còn là “trình bày, thuyết minh” mà đã trở thành một nghệ thuật được sử dụng trong việc thu phục nhân tâm, tạo động lực cho những người xung quanh. Hầu hết những người thuyết trình kém đều chăm chú vào việc họ sẽ nói gì (nội dung cần trình bày) mà quên mất điều quan trọng hơn là phải nói như thế nào? Theo đó, những nội dung nâng cao, hoặc nội dung ẩn của một bài trình bày thường không thể chuyển tải hết qua khối lượng câu chữ ngắn ngủi của một bài thuyết trình thời lượng khoảng 30 - 45 phút, mà khả năng truyền tải này sẽ được quyết định bởi cảm xúc từ trong giọng nói, và cách biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của người thuyết trình (khẩu hình). Như vậy, việc đầu tiên nên làm trước khi chuẩn bị một bài nói trước đám đông đó là đừng bao giờ cố gắng học thuộc lòng toàn bộ nội dung của bài nói đó.
Nhiều người tin rằng khi mình nắm vững các kỹ năng nói, thì họ sẽ thành công. Tuy nhiên, cảm xúc lại đóng vai trò quan trọng hơn, cũng có thể nói tạo ra cảm xúc chính là một kỹ năng quan trọng nhất trong thuyết trình. Cũng như khi biểu hiện niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, bạn thường kết hợp với nét mặt và ngôn ngữ cơ thể tương ứng, làm sao cho người đối diện có thể thấu hiểu được những cảm xúc của mình khi nhìn những động tác trên. Ngoài ra, kỹ năng sử dụng giọng nói cũng là một điều nên học. Như khi vui thì tốc độ giọng sẽ nhanh hơn, tông giọng sẽ cao hơn hoặc khi cần sự chú ý thì phải biết ngắt câu, giữ nhịp, bỏ trống một khoảng thời gian vừa đủ để người nghe thấu hiểu. Biểu cảm trong giọng nói là một trong những bí quyết tác động mạnh mẽ đến sự cảm thụ nội dung cần truyền đạt cho người nghe.
Ngoài những điểm trên, điều quan trọng nhất là khi nói về bất cứ điều gì, thì bản thân phải có cảm xúc và niềm mong muốn chia sẻ tất cả những thông tin đó một cách minh bạch cho người nghe thì mới lan tỏa được cảm xúc đó một cách tự nhiên ra bên ngoài. Bên cạnh đó là sự tự tin, biết mình là ai và tin vào nội dung truyền đạt một cách tích cực thì sẽ luôn được đánh giá tốt.
Như đã đề cập ở trên, chúng ta không nên học thuộc lòng, mà nên nắm vững nội dung một cách có hệ thống. Từ đó, bất cứ câu hỏi nào đặt ra bạn cũng có thể ứng phó và giải đáp tốt. Các chuyên viên tâm lý thường khuyên rằng: “Có thể sử dụng mindmap (bản đồ tư duy) để làm hiệu quả hơn khi nói trước đám đông”. Việc áp dụng công cụ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp ta ngày một nâng cao khả năng trình bày tốt và truyền đạt được cảm xúc một cách tự nhiên nhất.
Lệ My
TAG: