Thật hạnh phúc khi biết mình trở thành người tạo động lực viết sách cho một người chị doanh nhân khá nổi tiếng trong ngành chế biến thủy hải sản. Có chút lâng lâng và hãnh diện khi trong buổi lễ ra mắt quyển sách “Người thả diều” của chị, nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm hiện là Phó Tổng giám đốc Saigon Food - thì tôi vừa là khách mời, vừa trong vai trò diễn giả để cùng chị chia sẻ và tương tác với khán giả. Trong buổi sáng cuối tuần ấy - ngày 11 tháng 11 năm 2017, tại khách sạn Continental ở Sài Gòn, niềm vui còn được nhân lên khi làm việc chung với “đồng nghiệp” - doanh nhân Nguyễn Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty Brainmark trong vai trò người dẫn chương trình.
Đây quả là sự kiện hiếm thấy khi cùng lúc ra mắt 2 quyển sách mà hai tác giả là… hai cha con. Tác giả cuốn hồi ký “Gia tài của tôi” là bác Lê Quang Đồng - nguyên Giám đốc Sở văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thân sinh của nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm. Vị cán bộ lão thành đã trải qua hai cuộc kháng chiến (là nhân chứng sống của lịch sử), tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn “một lòng một dạ” với Đảng, với dân. Người đã chọn cách sống giản dị, thanh bạch khi khước từ hết căn biệt thự này đến căn biệt thự khác do Nhà nước bố trí để giữ sự liêm khiết của một đảng viên 70 năm tuổi Đảng. Chị Lâm thổ lộ rằng cha chị chính là người đã chắp cánh cho ước mơ thời tuổi trẻ của chị.
Chắc nhiều người trong khán phòng cũng như tôi - chạnh lòng và không cầm được nước mắt khi xem đoạn clip chiếu lại hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khi ông thắp nén nhang trước bàn thờ người vợ quá cố trong ngày ông đón nhận huy chương 70 năm tuổi Đảng. Ông đã thì thầm: “Nếu ngày này có bà tôi sẽ vui hơn!”. Một thoáng buồn trong ánh mắt, một lời nuối tiếc nhắn gửi đến người vợ đảm đang, đã từng đầu ấp tay gối, sống trọn nghĩa vẹn tình với mình.
Trở lại câu chuyện với nữ doanh nhân, tác giả Lê Thị Thanh Lâm, tôi học được ở chị sự tinh tế, nhạy bén, nhiệt huyết, chân thành, thẳng thắn, đặc biệt chất cần cù chịu thương chịu khó, xông xáo “nghĩ là làm” của một phụ nữ Tây Nam bộ. Những câu chuyện về sợ cái nghèo hơn cái chết, nuôi ước mơ, trui rèn bản lĩnh, sự diệu kỳ của những bức thư ở vai trò người sếp, người vợ, người mẹ, người mentor (người cố vấn) đã được chị dốc hết ruột gan ra mà kể một cách sống động mang tính giáo dục và áp dụng thực tiễn cao.
Như chị đã nói trong lời đầu quyển sách “Doanh nhân như một cuốn tự điển sống hay một cẩm nang mà nếu không chịu khó ghi chép, trao truyền lại thì sẽ mất đi một cách lãng phí”. Sau hơn 20 năm làm việc trong môi trường nhà nước, rồi bước ra ngoài đầu quân vào Saigon Food, chị thẳng thắn thổ lộ rằng tiếc nuối có đấy nhưng mà không hối hận. Chị đã tích lũy được những bài học quý giá trong thương trường để mình trưởng thành hơn, đồng thời nhận ra được giá trị thực của chính mình.
Thông điệp mạnh mẽ nhất mà chị nhắn gửi đến các sinh viên, các bạn trẻ là phải biết “vượt sướng” bởi thời nay giới trẻ có nhiều cám dỗ và lựa chọn hơn lớp doanh nhân U50, U60.
Một buổi lễ ra mắt sách thật ý nghĩa và ấm cúng, bởi ở đó là sự hiện thân của những nhân chứng sống của thời cuộc, những con người thực việc thực. Họ mang trong mình một sứ mệnh cao cả, một niềm tin mãnh liệt và một tâm hồn trong sáng, biết đặt lợi ích của tổ chức, của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Họ là những người đã, đang và sẽ trao truyền lại những giá trị sống đẹp cho người, cho đời...
NHQ
TAG: