Trước tình hình đại dịch Covid-19 trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, do biến thể virus một phần, phần khác là do một bộ phận người dân chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của loại virus này nên chủ quan trong việc phòng tránh, một số khác thì thiếu ý thức khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Dịch bệnh đã và đang tàn phá nền kinh tế của nhiều địa phương, quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều doanh nghiệp đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phá sản. Người lao động (NLĐ) nhiều nơi mất việc làm hoặc phải xin nghỉ vì thu nhập thấp và công việc bấp bênh. Hệ lụy là số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Đáng lo ngại, trong ba tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020.
Hưởng BHXH một lần có thể là giải pháp tình thế trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, sẽ là một thiệt thòi không nhỏ nếu so với quyền lợi về lâu dài mà BHXH mang lại cho người tham gia, đó là lương hưu hằng tháng trong suốt những năm không làm việc về sau.
Ngoài ra, tỷ lệ hưởng BHXH một lần cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc bảo đảm an sinh xã hội, do quỹ BHXH bị thu hẹp.
Tuy nhiên, trước thực trạng đang diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm hay dừng lại, Bộ LĐ-TB và XH đã kiến nghị đưa ra giải pháp bằng Tờ trình gởi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) trong đó có một điểm mới đáng chú ý là NLĐ thay vì đóng BHXH từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu thì Bộ LĐ-TB và XH đề xuất giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, và hướng tới 10 năm. Hiện nay, Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 quy định, NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với 15 năm đầu với nữ và 19 năm với nam, sau đó cứ thêm một năm thì cộng thêm 2%. Với điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện. Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB và XH) Trần Hải Nam cho rằng: Theo tính toán, nếu thay đổi phương án giảm dần số năm đóng BHXH sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. NLĐ sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để họ tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già.
Với giải pháp căn cơ như trên, NLĐ cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Việc bảo lưu thời gian đóng BHXH và khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, là cách an toàn để tự bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.
Gia Tài
TAG: