Khi chúng tôi quyết định dời chỗ ở từ quận 10 sang quận Bình Tân thì Bạch - chú cún xinh xắn và dễ thương cũng được ẵm về, khi nó còn chưa dứt sữa mẹ. Sở dĩ chúng tôi đặt tên nó là Bạch bởi vì chú có bộ lông trắng sữa với xoáy lông đối ứng từ cổ đến thắt lưng, không hề bị đốm hoặc pha một màu lông nào khác. Bạch là giống chó Phú Quốc khá thuần chủng bởi lưỡi có những đốm đen hiếm thấy ở những loài chó khác. Khuôn mặt góc cạnh, hàm răng đều và chắc. Bạch nhanh nhẹn, thích leo trèo, chạy nhảy và đào bới. Cặp mắt nó tròn xoe như hột long nhãn, lúc nào cũng long lanh như biết nói. Đôi tai Bạch lúc nào cũng dựng đứng như rada. Mỗi chiều tối, khi ô tô của tôi vừa chạy đến con đường ở phía sau nhà là đã nghe Bạch cất tiếng sủa liên hồi mừng chủ nhân nó về. Bạch không kén ăn nhưng cũng có vài món khoái khẩu, như thịt gà luộc, pate và bánh mì kẹp thịt với chả lụa... Yêu!
Giống chó Phú Quốc (Ridgeback dog) thích bươi xới, cào đất và săn bắt chim. Đặc biệt, nó là khắc tinh của loài chuột, mỗi khi nó xổng chuồng chay vọt ra phía sân vườn trước nhà thì những khóm hoa và cây cỏ lập tức bị nó càn quét không thương tiếc. Mỗi lần Bạch bị la mắng là nó chạy một mạch xuống phía sân sau nhà nằm xấp xuống, ý như đã biết mình phạm lỗi và muốn bày tỏ sự sám hối bằng một cử tuyệt thực. Giỏi!
Đột nhiên một ngày, đầu quý 4 năm Bính Thân, Bạch nằm xụi lơ, không cử động và ngóc đầu lên được, thậm chí mất hẳn tiếng sủa và không tiêu tiểu được. Quá bất thường nên lập tức Bạch được đưa đi Chi cục Thú y thành phố để thăm khám và làm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng, bụng có khối u nằm sát quả thận, nghi ngờ nhiễm xoắn khuẩn leptospia – một loài khuẩn truyền nhiễm từ việc săn bắt chuột mà ra, nó có thể lây nhiễm từ vật nuôi qua người khi tiếp xúc qua đường nước bọt và nước tiểu. Loại xoắn khuẩn này sẽ gây vàng da, làm tổn thương mạch máu nuôi dưỡng tế bào gan và hủy hoại hồng cầu ở cơ thể con người. Tôi đề nghị bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho Bạch, nhưng bác sĩ cho biết là nó đã già rồi nên không nên mổ. Cách tốt nhất là cho nó ăn uống đầy đủ và uống 3B đều đặn. Chúng tôi mang Bạch về và phải nhờ bác sĩ quen thỉnh thoảng đến thăm khám, điều trị triệu chứng và chích thuốc bổ cho nó. Sáng - trưa - chiều Bạch được dắt bộ ra sân để tản bộ và tiêu tiểu, nhưng dần dần chân nó yếu, không đứng dậy và tự di chuyển được. Tôi sắm cho nó 3 chiếc xe lăn, nhưng nó cũng không chịu đi. Bó tay!
Ròng rã 10 tháng điều trị tại nhà, mãi đến tháng 8 năm 2017 thì Bạch được chạy chữa ở bệnh viện thú y Sasaki của Nhật. Các bác sĩ người Việt lẫn người Nhật cùng hội chẩn và phẫu thuật, khâu lại vết lở trên đùi do nhiễm trùng. Bác sĩ khuyên gia đình cân nhắc cho Bạch tiêm thuốc trợ tử nếu chẳng may nó nhiễm xoắn khuẩn leptospia. Bác sĩ cũng cho biết khối u trong bụng nó đang tăng sinh nhanh chóng. Tôi đã từ chối lời đề nghị của bác sĩ, quay sang nói nhỏ với Bạch khi nó trong tình trạnh phù nề, nằm lim dim trên giường bệnh: “Mom sẽ không làm theo lời bác sĩ mà sẽ dành thời gian chăm sóc con một cách tốt nhất và luôn ở bên cạnh con nha!”. Bạch cố mở mắt nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, y như nó thấu hiểu tâm tình của chủ nhân dành riêng cho nó. Đau xót!
Không khác gì một người bệnh, không chỉ cần bỏ chi phí để chữa bệnh, con chó còn rất cần sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của chủ nhân và những người trong nhà. Mỗi buổi sáng tầm 6 giờ là Bạch thức dậy chờ để được tôi lau mặt, lau mình (bằng nước máy pha ½ trái chanh tươi để khử mùi cơ thể). Rồi sau đó Bạch được đặt trên tấm khăn lông nằm ở bên hông sân vườn phơi nắng và hóng mát những lúc trời không mưa. Trước cữ ăn sáng, Bạch được uống một tô nước rồi sau đó mới tiếp thêm lương thực và thuốc men. Vết mổ được rửa bằng nước muối y tế và dặm nhẹ Povidon iodine sát trùng bên ngoài da trước và sau giờ tôi đi làm. Thương!
Có hôm Bạch đau bụng khuya, đi vãi hết cả sàn nhà do nó không tự mình xoay chuyển cơ thể được. Dường như sợ tôi nổi cơn thịnh nộ, nó nhìn tôi với vẻ lo âu và sợ sệt. Tôi hậm hực nói: “Bạch, lần sau đừng ị giờ đêm khuya nữa nha. Mom mà ngã bệnh thì không biết ai sẽ lo cho con à!”. Ấy vậy mà nó biết nghe lời, từ hôm đó trở về sau Bạch chỉ ị những khi có người ở nhà vào ban ngày hoặc chiều tối. Khen!
Đêm định mệnh 14 tháng 9 năm 2017, Bạch trở bệnh nặng đột ngột lần nữa, không ăn, không uống mà cũng không đi tiểu được, nhịp thở càng lúc càng dồn dập, mắt lờ đờ. Tôi và con gái ngồi cạnh nó cho đến giờ khuya, vừa dỗ dành, vừa vuốt ve và mở nhạc hòa tấu piano “Kiss of the rain” trong iPhone cho nó nghe, lau mình sạch sẽ rồi bón vài muỗng nước suối cho nó… Hai mẹ con nước mắt chảy ròng... Buồn!
Thân nhiệt Bạch đã lên gần 410C. Bác sĩ thú y dự đoán Bạch không qua khỏi đêm nay bởi vì nước tiểu rút ra màu đỏ sẫm, lưỡi Bạch bắt đầu thò ra cửa miệng. Những gì có thể can thiệp - tiêm hạ sốt, tăng cường đề kháng - đều đã được thực hiện. Tôi đã tự nhủ với lòng mình: “Vạn vật đều có ngày bắt đầu và ngày kết thúc. Quy luật sinh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi”. Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó. Điều chúng ta có thể làm duy nhất là đối diện và chấp nhận thực tế, không chờ lời giải thích. Tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ giữa vật nuôi với con người hay giữa con người với nhau đều sẽ trở thành những ký ức sống mãi trong lòng những người đang còn đi tiếp trên đường đời. Những ký ức chỉ đẹp khi những người trong ngữ cảnh đó đã từng cư xử với nhau bằng sự chân thành, lòng vị tha và lòng trắc ẩn không vụ lợi, không toan tính, không so đo, để giành lấy hơi thở, sự sống đo đếm hằng giờ, hằng ngày cho những ai chúng ta trót trao yêu thương và lòng cảm mến. Có người bảo rằng chó là người bạn trung thành của cánh mày râu. Tôi thì cho rằng chó là người bạn trung thành với tất cả những ai đã, đang và sẽ nuôi nấng, chăm sóc nó bằng tình thương mến chân thành.
Bạch - người bạn trung thành của tôi! Luôn mãi hoài niệm ...
NHQ
TAG: