Mặc dù khá bận rộn trong những tháng cuối năm Đinh Dậu nhưng tôi cũng cố gắng thu xếp để có một chuyến đi đến Melbourne - Úc, vừa để thăm con vừa là xúc tiến việc thuê nhà ở đó, đồng thời tìm hiểu thêm các bước thủ tục pháp lý của xứ sở Kangaru nhằm hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của một nhà đầu tư trên tài sản mà mình đã hợp đồng bên đó.
Sáng chủ nhật cuối hè, tiết trời đã se se lạnh. Những hạt mưa li ti bay lất phất xen lẫn trong những cơn gió nhẹ. Ai cũng phải khoác trên mình chiếc áo len mỏng dù rằng đang sinh hoạt trong nhà. Chúng tôi đều hồ hởi, xắn tay áo cùng nhau vào bếp trổ tài - chuẩn bị vài món Việt như phở bò, gỏi bưởi, bánh tôm và sò điệp nướng mỡ hành… để đãi khách. Nhân lúc ngồi nghỉ, chị sui của tôi (vợ bác sĩ ưu tú Phạm Hữu Trí) nguyên là bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Victory, đưa cặp mắt trìu mến nhìn đứa con gái – tức con dâu tôi, rồi trầm ngâm kể cho tôi nghe một câu chuyện trong quá khứ. Chị cho biết, đã hơn hai mươi năm rồi nhưng tới giờ chị vẫn còn cảm giác áy náy vì hồi đó đã quá tập trung cho công việc ngành y của mình (vừa làm ở bệnh viện, vừa làm thêm giờ ở phòng mạch tư) mà thiếu đi sự quan sát, lắng nghe những biểu cảm của đứa con gái bé bỏng của mình mà lúc bấy giờ vẫn còn bập bẹ những từ chưa được tròn nghĩa.
Chuyện là thế này, trong một lần ngồi đút cháo cho con gái, chị đã vô tình đút gần hết chén cháo có dấu hiệu bị thiu vào miệng đứa bé chỉ vì chị không cho phép bé bỏ ăn bằng những cái lắc đầu. “May phước thay nó không bị gì…” - chị nhớ lại trong cảm giác ân hận vẫn chưa được giải tỏa trong suốt mấy chục năm qua.
“Nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu thấu hiểu và được thấu hiểu” - Ralph Nichols |
Tập cho con những thói quen tốt ngay từ bé như không lãng phí thức ăn, biết giữ gìn và trân quý những món đồ chơi mình có, biết lễ phép khoanh tay chào hỏi người lớn tuổi, biết thương yêu những vật nuôi trong gia đình v.v... là điều mà các bậc làm cha làm mẹ đều thực hiện. Nhưng đôi lúc con người ta dễ bị cuốn vào dòng chảy của những tất bật trong việc mưu sinh hoặc tiến trình phát triển con đường sự nghiệp, công danh mà quên đi tầm quan trọng và sự ảnh hưởng từ việc sống chậm lại một chút để lắng nghe…
Để có thể lắng nghe thực sự, cần có sự tập trung để hiểu đối phương đưa ra thông điệp gì, sau đó dùng sự thấu cảm nội tâm để đặt mình vào vị trí của người đó, cảm nhận cảm xúc qua giọng điệu, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ, tư thế ... ngay trong những thời khắc, ngữ cảnh mà người đối thoại muốn nhắn gửi, truyền đạt. Lắng nghe từ quan sát biểu cảm, sự thổ lộ cảm xúc của đối phương từ lời nói hoặc lời viết (thậm chí đôi lúc được ủy thác qua người thứ ba) để có những cảm nhận không mang tính định kiến, áp đặt. Đặt mình trong hoàn cảnh, vai trò, vị trí của đối phương để hiểu họ rồi từ đó tự điều chỉnh trong cách nghĩ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự hiện diện hoặc tái hiện những cảm xúc tiêu cực như bị ức chế, áy náy, giận hờn, ân hận hoặc cảm giác tội lỗi đeo đuổi dai dẳng không hồi kết.
Tạo hóa đã dựng nên thủy tổ loài người là Adam và Eva với hình hài gồm 5 giác quan là thị giác (quan sát), thính giác (lắng nghe), vị giác (trải nghiệm), khứu giác (cảm nhận) và xúc giác (truyền cảm xúc). Đó chính là những phương tiện, công cụ mà tạo hóa đã ban tặng hầu giúp loài người có thể vận dụng và khai thác để làm cho cuộc sống và các mối quan hệ trong xã hội thêm gần gũi, hài hoà và gắn kết.
Đôi lúc, chúng ta cần sống chậm lại một chút để tâm được yên, tinh thần được thư thái, cơ thể được thả lỏng để rồi thưởng thức những giây phút thiêng liêng mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta trong thời khắc của hiện tại…
NHQ
TAG: