Huấn luyện (coaching) không đơn thuần chỉ là một kỹ năng trong công tác quản lý mà lợi ích của huấn luyện mang lại cho tổ chức đó chính là công cụ để phát triển con người. Một người huấn luyện giỏi chỉ với kỹ năng trao đổi (hội thoại) với người được huấn luyện có thể giải quyết khó khăn bằng các dạng câu hỏi như câu hỏi mở để khơi gợi đối tượng tự phát triển tư duy, cảm xúc và tự đưa ra giải pháp tháo gỡ cho vấn đề đang gặp phải / câu hỏi đóng giúp đối tượng định lượng lại giá trị nội dung bị vướng mắc từ đâu / câu hỏi hồi tưởng giúp đối tượng ghi nhận lại sự kiện đã trải qua mà xác định hướng đi mới / câu hỏi giả định đẩy đối tượng vào tình huống phải biết kiểm soát năng lực bản thân và ý chí cần thiết để thoát khỏi bế tắc / câu hỏi diễn giải giúp đối tượng giải tỏa lo lắng, phiền muộn để tạo ra hành vi tích cực trong tương lai.
Để đạt được những hiệu quả thiết thực tất nhiên người huấn luyện cần biết kiểm soát cảm xúc bản thân, tránh phân tán tư tưởng để tập trung cho vấn đề chính đang đặt ra bằng các câu hỏi có tính gợi mở, thân thiện thông qua những từ ngữ ngắn gọn, dễ hiểu bởi đó có thể xem là “chiếc chìa kháa mở ra cánh cửa mới” cho người được huấn luyện.
Với mục đích giúp người được huấn luyện tự phát triển kỹ năng và giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở của mục tiêu đề ra, người huấn luyện cần có chuyên môn trong lĩnh vực thay đổi hành vi / thay đổi thái độ. Nói rộng ra thì không có ai là người hoàn hảo và mỗi người trong chúng ta đều có những hành vi cá nhân cần thay đổi hay làm nó trở nên tích cực hơn. Những thói quen mà bạn muốn thay đổi là những thói quen cản trở bạn, khiến bạn không thể bộc lộ khả năng tốt nhất hay ngăn cản bạn đạt được ước mơ. Có những hành vi không khó để thay đổi như nhớ để giày lên giá giày thay vì bỏ dưới nền nhà hay như việc quát mắng con khi nó nói hay làm việc gì đó khiến mình không hài lòng. Nhưng cũng có những hành vi lại rất khó thay đổi, đặc biệt là những hành vi dễ gây nghiện như việc hút thuốc lá hay thói quen vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, kể cả việc thay đổi các hành vi đơn giản cũng đòi hỏi sự nỗ lực để vượt qua thói quen cũ và duy trì thói quen mới, để thay đổi những thói quen gây nghiện thì cần có sự trợ giúp của những người khác và cần lập kế hoạch thật chi tiết.
Huấn luyện là một công việc mang tính chuyên môn cao, phải biết xác định nhiều hành vi mà mình muốn thay đổi cũng như biết lắng nghe “sâu” giúp đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy sáng tạo để người được huấn luyện tìm ra câu trả lời tốt nhất cho vấn đề họ đang gặp phải. Thường thì nhân viên tìm gặp nhà quản lý để xin ý kiến về những vướng mắc trong công việc. Nếu áp dụng đúng kỹ năng huấn luyện thì thay vì xắn tay áo cùng làm, nhà quản lý phải biết đặt ra các câu hỏi mang tính khơi gợi, xây dựng, động viên… tập trung vào hiện tại và tương lai để nhân viên tự tìm câu trả lời cho chính mình.
Trong huấn luyện, biết lắng nghe như thế nào trong giao tiếp cũng được xem là một kỹ năng cốt lõi đem tới thành công. Lắng nghe có nhiều cấp độ như lắng nghe giả vờ / lắng nghe xã giao / lắng nghe chủ động / lắng nghe sâu (tập trung). Khi được lắng nghe, người được huấn luyện sẽ thấy mình giải bày trong sự thoải mái và từ tâm thức họ tự tin chia sẻ những suy nghĩ cá nhân mà trong môi trường làm việc bình thường ít khi bộc lộ.
Tham gia khóa học “Kỹ năng huấn luyện cho nhà quản lý” chỉ trong 02 ngày mà tôi lĩnh hội được nhiều điều mới mẻ. Tất nhiên việc áp dụng kỹ năng này đối với nhân viên của mình vẫn còn tùy từng tình huống cụ thể mới đem lại lợi ích, bởi không phải ai cũng cần được huấn luyện mà đôi khi chỉ cần tư vấn hay kết hợp nhiều phương pháp khác để có được điều mong muốn và nâng cao hiệu suất công việc.
Để huấn luyện tốt cần phải lệ thuộc vào 3 yếu tố: tầm quan trọng, thời gian và sự sẵn sàng của cả đôi bên như Liên đoàn huấn luyện quốc tế (ICF) đã nhấn mạnh: “Huấn luyện là đồng hành cùng người được huấn luyện trong một quá trình kích thích tư duy và sáng tạo, từ đó thúc đẩy họ phát huy tối đa tiềm năng trong công việc và cuộc sống”.
Thanh Hà
TAG: