Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Ngoài những người thân quen trong gia đình và dòng họ, chúng ta còn phải giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè và nhiều mối quan hệ khác... Để có được sự đón nhận, quý mến của những người xung quanh, chúng ta phải học cách ứng xử sao cho hợp thuần phong mỹ tục khi chúng ta giao tiếp với những người bản địa cũng như với những người nước ngoài. “Nhập gia tùy tục” là câu nói luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.
Dù là đang ở tại nhà mình, địa phương mình, đất nước mình, hay ở bên ngoài những nơi đó, nhìn chung, chúng ta đều phải sống theo 2 dạng quy phạm:
1/ Quy phạm chính thức (được nói và viết công khai):
Nếu ở phạm vi quốc gia thì chúng ta sẽ nhận biết các quy phạm này qua hiến chương, hiến pháp, công ước, các văn bản pháp luật liên quan đến chủ trương và chính sách của nhà nước, các biển báo giao thông, các tin tức được công bố trên truyền thông đại chúng…
Còn nếu ở phạm vi công ty thì chúng ta sẽ nhận biết qua nội quy, thỏa ước lao động, chỉ thị, thông báo, sổ tay chất lượng, thủ tục, hướng dẫn, mô tả công việc…
2/ Quy phạm không chính thức (luật bất thành văn)
Đây là những quy định, quy ước không cần được nói và viết công khai nhưng tất cả mọi người vẫn phải tuân theo, thực hiện, thậm chí có những chế tài dành riêng cho nó. Chế tài đó là việc bạn sẽ mất cơ hội giao tiếp, mất cơ hội làm ăn, không có được sự tôn trọng của người khác .v.v.
Một số “luật bất thành văn” có thể kể: Đến nhà người khác, muốn vào phòng riêng thì phải bấm chuông ngắn 2 lần hoặc gõ cửa khẽ; gặp người lớn hay sếp phải biết mỉm cười, chào hỏi và nói năng lễ phép (tối kỵ bào chữa); không gác chân lên bàn ăn; không dùng đũa muỗng cá nhân để gắp hoặc xới đồ ăn trong bàn tiệc/bàn ăn; không vứt rác, khạc nhổ, tiêu tiểu một cách tùy tiện; không cướp lời khi người khác đang nói; đi thang máy thì phải biết nhường cho người trong thang máy bước ra trước; thấy người yếu đuối thì phải ra tay giúp đỡ…
Chỉ cần chú ý quan sát những gì đang diễn biến xung quanh, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đâu là điều hay lẽ phải được xã hội thừa nhận. Nếu biết tự nhìn lại cách ứng xử của mình trên cơ sở chuẩn mực của những điều đang diễn ra xung quanh, từ đó tự điều chỉnh, sẽ tránh được những sai sót không cần thiết, thậm chí những tai họa nghề nghiệp không đáng có.
Hãy tìm cho mình một tấm gương để noi theo, một người hướng dẫn có kinh nghiệm trong công việc lẫn giao tiếp xã hội, chúng ta sẽ tránh được những bão táp phong ba cuộc đời.
NHQ
TAG: