Tôi đã đến tham dự hội nghị “Gặp gỡ đầu năm giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp” vào sáng 12/3/2013 với sự góp mặt của ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng một số cán bộ cao cấp của cơ quan ngành thuế và hải quan.
Theo kết quả khảo sát tình hình khó khăn của các doanh nghiệp được Hepza thống kê và công bố tại hội trường, 84% doanh nghiệp than phiền chi phí, lệ phí và thuế của Việt Nam rất cao. Những văn bản hướng dẫn thực thi các nghị quyết của Chính phủ để cứu doanh nghiệp được ban hành và triển khai quá chậm chạp. Mức lãi suất ngân hàng tuy có sự điều chỉnh giảm nhưng chỉ những doanh nghiệp lớn mới được vay với mức lãi suất từ 10-12%, còn đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay với mức > 13%, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo mức lãi suất cho vay đối với những đối tượng này xuống 12% áp dụng từ 24/12/2012.
Theo cam kết và tình hình thực hiện AFTA của Việt Nam thì đến năm 2015 tất cả hàng hóa nhập khẩu có thuế suất 0%, hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập cùng loại do chi phí lãi vay cao hơn các nước trong khu vực.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nguy cơ khủng hoảng lòng tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (nợ quá hạn, nợ khó đòi), giữa doanh nghiệp với ngân hàng (nợ xấu) ngày càng thể hiện rõ; sức khỏe doanh nghiệp yếu dần (chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài nhà nước; doanh nghiệp 100% vốn trong nước; doanh nghiệp vừa và nhỏ) và mức sống của người lao động, người dân ngày càng đi xuống… Những tác động do thay đổi chính sách như thay đổi tỷ giá USD, cách tính thuế, biểu thuế đất… trong thời gian qua cũng đã làm cho nhiều doanh nghiệp từ lãi thành lỗ, từ lỗ đi đến phá sản.
Doanh nghiệp rất cần một cơ chế chính sách ổn định lâu dài, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động; Nhà nước nên tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí với đối tượng là doanh nghiệp, người dân; có chính sách miễn, giãn và giảm thuế cho doanh nghiệp và người lao động kịp thời để tái sản xuất và tạo công ăn việc làm cho xã hội… là những kiến nghị tha thiết của lãnh đạo Hiệp hội TP.HCM đệ trình lên Chính phủ.
Nghị quyết 02 của Chính phủ bàn hành ngày 7/1/2013 như một liều thuốc nhằm giảm những “tác dụng phụ” của Nghị quyết 11/CP với việc đưa 4 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết đã chọn giải pháp an toàn và nhẹ nhàng nhất có thể là ngưng hoạt động. Lý luận của họ là “làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều, không làm không lỗ”.
Hệ lụy của việc doanh nghiệp ngưng hoạt động là người lao động không có việc làm – nạn thất nghiệp gia tăng – đời sống người lao động đã thiếu thốn lại thêm khó khăn… Tiếp theo là gì - nạn trộm cắp, cướp giật gia tăng; buôn bán ma túy có thêm “nhân lực”, vân vân và vân vân. Tóm lại, nếu doanh nghiệp nào cũng chọn phương án “bảo toàn vốn” thì chẳng phải đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh trật tự xã hội sao!
Một thực tế là sau tháng Tết, một số ông chủ /bà chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chấp nhận “ngồi chơi xơi nước”, đem số vốn tích lũy đi gửi tiết kiệm để lấy lãi.
Chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu đến một lúc nào đó cũng sẽ chạm đáy, kinh tế sẽ phục hồi. Khi ấy, cơ hội sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp có khả năng chịu đựng, có sự chuẩn bị kỹ càng để thẳng tiến vào một chu kỳ phát triển mới.
NHQ
TAG: