Nếu ví ngôi nhà ấm áp, tinh tươm như linh hồn một người phụ nữ đẹp, thì gian bếp chính là trái tim luôn ngập tràn tình yêu thương. Gian bếp đóng một vai trò nhất định trong không gian sống của gia đình. Do đó, khi xem xét, đánh giá cái nết của một người phụ nữ, ông bà ta có câu “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”.
Mình từng nghe mẹ kể lại, hồi đó các bà mẹ chồng đi coi mắt dâu thường chú tâm đến ba tiêu chuẩn: chọn dòng (truyền thống gia đình), chọn tướng mạo (dáng thắt đáy lưng ong) và đặc biệt là “soi” bếp. Con gái giỏi giang thì góc bếp luôn tươm tất, củi chất đầy kệ, ngay lối, thẳng hàng. Mấy bó lá dừa khô được chặt tỉa bằng đầu, bằng đuôi. Mặt bếp sạch bụi, xoong nồi treo theo thứ tự lớn nhỏ, sàn lót bếp không ố màu, lau chùi mỗi ngày... Nẹp giắt dao, chổi rơm quét bếp, bợ nhấc nồi, đũa gắp than là những vật không dư, không thiếu, theo thứ tự tăm tắp. Cạnh bếp phải có cái kệ nhỏ và dài, đặt một hàng chai lọ đựng gia vị, kể cả chai không…
Ở những vùng quê miền Trung, đến nay nhiều gia đình vẫn còn dùng bếp kiềng ba chân dựng vững chãi. Bên dưới là lớp tro tàn, vài miếng than củi, chiếc nồi bám nhọ đặt lên trên nấu nướng. Những bao cùi bắp được phơi khô để dành nhen lửa. Hai, ba cái mo cau dùng để quạt lửa bùng lên hoặc để các bà, các mẹ quạt mát những trưa mùa hè oi nồng mồ hôi nhễ nhãi. Khói củi lan tỏa nồng nàn, vẽ lên trong không gian những bức tranh lạ lẫm.
Ngày xưa, lại nói chuyện ngày xưa, lúc lên 8, 9 tuổi, mỗi khi được về quê nội, ngoại, con bé là tôi luôn tỏ ra thích thú với chuyện vào... ngồi trong bếp. Lúc nào cũng kỳ kèo để được nhóm bếp, nhưng loay hoay mãi vẫn không thể làm đỏ lửa. Bà ngoại, bà nội chiều cháu, theo một bên hỗ trợ, cuối cùng những thanh củi đã bắt lửa bập bùng cũng là lúc đôi tay tôi lấm lem nhọ than, nước mắt lưng tròng vì khói. Lúc đó sự thích thú vì được nghịch, được bỏ đôi củ khoai vào đống lửa và chờ nghe mùi khoai chín sẽ lấy cây đũa bếp khơi cái đống tro ra tìm khoai chín dù chả ăn uống là bao.
Hay có lúc về quê đúng mùa mưa, gian bếp nằm ngoài cách xa gian nhà chính, bên trong bà cháu hì hụi nhóm bếp, bên ngoài nước chảy thành dòng chực tràn vào bếp, có khi mưa tạt vào tro cứ nhũn nhẹt dưới chân. Dĩ nhiên củi cũng ướt, nhưng phải cố nhen để nấu bữa cơm. Vậy là khói hun kín gian bếp, lửa đượm lên cũng là khi cả bà cả cháu đều chảy nước mắt nhòe nhoẹt, cùng “khóc” như nhau vì cay xè đôi mắt. Những chuyến về quê ngày càng dày lên, đem theo bao nhiêu sự phấn khích vì được nghịch bếp, gói vào nhiều ký ức tuổi thơ an lành trong gian bếp nhỏ, góp nhặt bao nhiêu kỷ niệm về ông bà, về các món ăn bình dị làm hành trang để sau này làm vợ, làm mẹ.
Giờ đây,cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, gian bếp dần đổi mới và được trang bị thêm nhiều tiện nghi như: lò nướng, máy rửa bát, bếp từ, hút mùi, tủ lạnh…Nếu như ngày xưa, bà và mẹ có thể mất hàng giờ đồng hồ cặm cụi việc bếp núc thì ngày nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, thời gian cho công việc nội trợ được rút ngắn hơn rất nhiều.
Nhưng dù ở giai đoạn nào, gian bếp có hiện đại hay đơn giản mộc mạc thì yếu tố luôn đỏ lửa với các món ăn ấm nóng của bà, của mẹ, chính là minh chứng cho tình yêu, giúp các thành viên trong gia đình gần nhau hơn.
D.P
TAG: