Cuộc sống hàng ngày nếu thiếu sự quan tâm và sự thúc đẩy khách quan từ bên ngoài dễ đẩy con người vào bế tắc khi không tự tìm ra cho mình lối thoát trong cuộc sống đầy cám dỗ và bất công này. Trong doanh nghiệp, cuộc sống của mỗi người luôn là một sự dịch chuyển bắt đầu từ vấn đề ý thức. Rất nhiều người đã làm việc theo kiểu “tư duy truyền thống” như một lối mòn từ ngày này sang ngày khác một cách máy móc và phản ứng với công việc như một nghĩa vụ phải hoàn thành. Chính điều này đã dẫn đến y thức và lý tưởng bị tê liệt nên mất dần đi sự chủ động. Vì vậy, muốn bản thân nhân viên có thêm động lực thì điều đầu tiên nhà quản lý phải biết cách dịch chuyển về mặt tư duy để thay đổi nhận thức của họ từ đó tác động đến hành vi giúp mỗi người cải thiện các kết quả theo chiều hướng tốt hơn.
Thường thì động lực ban đầu rất quan trọng nó giúp bước tiếp việc giải quyết những khó khăn trong công việc. Nhà quản lý cần dẹp bỏ cái “tôi”, cái quyền hạn đang có mà nên đưa ra lời tư vấn chứ không phải gây áp lực đè nặng lên vai nhân viên, có vậy mới giúp họ biết đam mê trong công việc và dẫn dắt họ để có hành động thiết thực.
Động lực là một tiến trình diễn ra trong suốt quá trình từ nhu cầu ban đầu là tìm kiếm và đảm bảo đời sống ở mức tối thiểu về ăn, mặc và những nhu cầu thiết yếu khác (học thuyết Maslow). Như vậy, sự thỏa mãn nhu cầu ban đầu đó có được từ sự công nhận của người quản lý hay nói cách khác, nếu nhu cầu cấp thấp chưa được thỏa mãn thì không thể thỏa mãn những nhu cầu cao hơn. Động lực tạo nên sự hứng thú và khi nhân viên mất đi hứng thú thì các phần thưởng (vật chất, tinh thần) chính là sự kích thích. Ngoài ra, đào tạo kỹ năng một cách hợp lý và không mang tính chỉ định nhằm bổ sung kiến thức, giúp nhân viên có ý thức hơn trong công việc.
Tạo động lực là một kỹ năng vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác quản lý vì phải luôn tìm ra cách để giúp cho các nhân viên có thêm những động lực để vượt qua những khó khăn, áp lực của công việc, cuộc sống mà hướng đến mục tiêu cuối cùng. Cuộc sống luôn bị chi phối bởi nhiều khía cạnh từ tài chính, gia đình, bạn bè, xã hội… dẫn đến mức độ động lực của chúng ta thường xuyên lên xuống như một nhịp điệu tự nhiên. Có những ngày tràn trề năng lượng khi bắt đầu một ngày mới nhưng cũng không ít khi chúng ta cảm thấy vật vã, mệt mỏi đến mức không muốn bước ra khỏi giường. Chính điều này đòi hỏi nhà quản lý phải không ngừng tìm ra các cách thức tạo động lực cho nhân viên để giúp họ có một thói quen tích cực trong tổ chức, giúp mỗi cá nhân luôn giữ được sự chủ động mà không bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố xung quanh. Để mỗi nhân viên cảm nhận được động lực thì chúng ta giúp họ thấy những gì họ đang thực hiện tạo ra được nhiều giá trị cho chính mình, cho mọi người và cho tổ chức. Động lực sẽ xuất hiện khi những quan điểm và ý kiến đóng góp đều được sự ủng hộ của mọi người trong tổ chức. Không nên để xảy ra môi trường làm việc bị triệt tiêu sự sáng tạo do nhân viên không tin vào khả năng của họ khi liên tục bị từ chối và chê bai. Khi có được giá trị thì mỗi nhân viên sẽ có cảm giác xứng đáng hơn và tự hào hơn trước mặt mọi người.
Tóm lại, mỗi người chỉ có thể có động lực khi các khía cạnh của cuộc sống luôn được cân bằng. Nhiều nhân viên quá tập trung vào công việc trong một thời gian dài nên dẫn đến sự mệt mỏi, stress... điều này làm giảm đáng kể động lực của họ. Vì vậy, hãy giúp cho mỗi nhân viên luôn giữ được sự hài hoà trong cả công việc và cuộc sống từ đó giúp mỗi người có thời gian tự làm mới mình nhằm tái tạo lại nguồn động lực vốn có để đáp ứng tốt cho các công việc tiếp theo.
Gia Tài
TAG: