Người thành công là người tích lũy “vận khí”. Sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu, Tiến sĩ Tâm lý học Uenishi Akira đã rút ra kết luận này.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những người vui vẻ lạc quan luôn gặp may mắn và thuận lợi trong mọi công việc. Ngược lại, nhiều người được cho là thiếu may mắn thường có thái độ tiêu cực. Và ta thường cho rằng vì hay gặp may mắn nên người ta có thể vui vẻ, còn người kém may mắn làm sao có thể lạc quan được. Nhưng Tiến sĩ Uenishi Akira có lý giải khác - một lý giải mang tính khoa học.
Uenishi Akira là người Tokyo, Nhật Bản. Tốt nghiệp đại học Gakushuin, ông làm việc cho Công ty Shiseido, sau đó chuyển sang làm các công việc có liên quan đến nghiên cứu lý luận con người dựa trên tâm lý học, tư tưởng đông tây, hệ thống tư tưởng triết học mới. Năm 1995, ông được trao danh hiệu “Cố vấn nghề nghiệp” (do Bộ trưởng Bộ Lao động Nhật công nhận). Ông cũng từng được trao nhiều danh hiệu danh dự khác.
Lý giải về khái niệm “may mắn”, Tiến sĩ Uenishi Akira nói rằng “Những điều tốt hay xấu xảy ra xung quanh chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với thứ gọi là “Vận khí”. Những ai nắm giữ nhiều “vận khí” thì sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, may mắn và đạt được mọi điều họ muốn. Ngược lại, cuộc sống của họ có thể gặp nhiều bất hạnh, mọi mong muốn cũng khó thực hiện được”. Và, điều quan trọng, theo Tiến sĩ Uenishi Akira, “vận khí” là do tự bản thân mỗi người tạo ra, tích lũy và nắm giữ.
Theo Uenishi Akira, “Định mệnh không thể thay đổi, nhưng vận mệnh thì có thể”. Ông giải thích: Có những điều bạn không thể thay đổi được, chẳng hạn như giới tính, nơi bạn sinh ra, nhóm máu, ngày sinh nhật… Bởi vì, những điều đó là định mệnh, đã được định sẵn từ khi con người được sinh ra. Nhưng vận mệnh thì khác, vận mệnh có thể thay đổi rất nhiều lần.
Người sáng lập Tập đoàn Công nghiệp điện khí Matsushita, ngài Matsushita Konosuke là một ví dụ điển hình. Khi Konosuke còn nhỏ, công việc kinh doanh của bố ông gặp thất bại, gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, ông buộc phải nghỉ học ở trường tiểu học để đến Osaka kiếm sống. Lúc đó ông chưa tròn 10 tuổi. Matsushita từng kể rằng, khoảng thời gian đó ông vô cùng chán ghét cuộc sống, và ông nguyền rủa số phận mình. Ông đã nghĩ “Cả đời này mình sẽ chỉ là một người làm công, đó là số phận của mình”. Trong thời gian làm việc ở Công ty Điện tử Osaka, ông đã tự phát triển được một loại chuôi bóng đèn mới, nhưng ý tưởng không được chấp nhận. Sau đó ông quyết định mở một nhà xưởng để sản xuất loại chuôi đèn này.
Hay như nhà kinh doanh người Đức Heinrich Schliemann, từng phải bỏ học năm 14 tuổi, phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống. Cuộc sống lao động cực nhọc - mỗi ngày làm việc từ 5 giờ sáng tới đêm khuya - đã khiến Schliemann ngã bệnh. Trên giường bệnh, hằng đêm, Schliemann ngước nhìn lên bầu trời và chìm đắm trong suy nghĩ “ngôi sao bất hạnh đang chiếu vào cuộc đời mình có lẽ đang ở một nơi nào đó giữa bầu trời kia”.
Cuộc đời Schliemann sẽ đi về đâu nếu ông cứ mãi chìm đắm trong suy nghĩ ấy? Nhưng rồi ông đã trở thành một nhà tư vấn kinh doanh giỏi, có khối tài sản kếch xù và được người đời biết đến là người đầu tiên khai quật được di tích Thành cổ Troy.
Trong cuốn sách 9 habits to improve your work and personal relationship (bản tiếng Việt của Thái Hà Books có tựa Tôi trồng cỏ bốn lá – 9 thói quen kiến tạo vận may), Tiến sĩ Uenishi Akira tiết lộ những bí quyết để tạo ra, tích lũy và nắm giữ “vận khí”, để thay đổi vận mệnh.
Áp dụng theo sự hướng dẫn của Tiến sĩ Uenishi Akira, bạn sẽ thấy mình giống như chú kiến cần mẫn tha mồi về tổ, mỗi ngày “vận khí” của bạn sẽ dày thêm giống như lượng thức ăn của kiến đầy lên mỗi ngày, vận mệnh của bạn cũng đang từng ngày chuyển biến tích cực. Và “thần may mắn” đang mỉm cười đón bạn.
Bạn có thể tìm đọc cuốn sách trên, nếu muốn sớm tiếp cận với những hướng dẫn của Tiến sĩ Akira, hoặc đón đọc từng phần nội dung cuốn sách trên trong các số tới của Bản tin New Toyo nhé.
Kim Hoa
TAG: