Chuyện học

Thứ tư, 17/01/2018, 15:30 GMT+7

Một bài báo viết về thực trạng xã hội gần đây của nhà báo Khải Đan (Tuổi trẻ) nói về một đại bộ phận thanh niên rất trẻ vì cuộc sống mưu sinh phải rời bỏ làng quê lên phố thị tìm kiếm những công việc lao động phổ thông và phía sau đó là việc bỏ phí những khoảng thời gian để tự thay đổi cuộc sống của mình. Bài báo cho rằng những công việc như làm bảo vệ, trông xe… mà những thập kỷ trước đây dành cho những người kém sức khỏe hay về hưu thì giờ lại thấy toàn thanh niên trẻ. Quả thật, những công việc đó nếu vào tay thanh niên sẽ được làm tốt hơn nhờ sức trẻ, tính nhanh nhạy và năng động đó là chưa nói đến môi trường xã hội thay đổi. Nhưng quan sát thì thấy sau những phút giây đó là cả khoảng thời gian họ chỉ chăm chú vào màn hình với các game online hay clip hài để rồi hả hê. 

Ở các khu công nghiệp tập trung, cứ rảnh rỗi sau giờ tan ca là nhiều công nhân đặt hết thời gian rảnh cho việc lên mạng chát chít, vào facebook để bình luận, xem tin hay dạo các shop online mà có thể trong tân cùng suy nghĩ cũng chưa bao giờ dám đặt mua một món hàng trên đó. Kẻ thì thích ngồi cà phê xem phim kiếm hiệp hay làm lai rai vài chai nói chuyện “quốc tế” để sau đó thì về ngủ vùi chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Có khi nào bạn tự hỏi cái công nghệ internet, wifi sẽ giúp mình bổ sung kiến thức dễ dàng hơn bởi tính cập nhật nhanh chóng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào thay cho các giây phút giải trí trên?

Thời gian là thứ tài sản quý báu nhất của con người mỗi khi trôi qua thì không một ai có thể lấy lại được. Thế nhưng với nhiều bạn trẻ đó là thứ có thể phung phí và chẳng đáng phải quan tâm vì biết và cả không biết. Lý giải cho các trao đổi trên là các lời phản biện mà mới nghe qua thì thật hợp lý nhưng nghĩ lại thì thật khập khiễng. Rằng đã làm bất cứ việc gì, dù đơn giản nhưng cũng phải chú tâm nếu không muốn nói sơ sẩy, cẩu thả là mất việc như chơi. Rằng làm xong thì cũng phải có giải trí chút chút, phải bạn bè bù khú thì đời mới vui chứ cày suốt cũng chả hơn gì. Có người lại cụ thể hóa, tiền làm ra chi phí còn thiếu trước hụt sau thì lấy đâu ra nộp học phí.v.v. Nghe cũng đúng nhưng sự học đâu có nghĩa là phải vào những trung tâm bề thế để kiếm cái bằng trong khi kết quả thu thập được chỉ là con số 0 tròn trĩnh? Học đâu phải là cắm mặt vào đống sách vở mà chỉ cần sắp xếp và tận dụng thời gian những khi có thể. Bài này chỉ muốn nói là nếu bạn biết để dành chút thời gian rảnh rỗi chỉ để đọc vài trang sách, chỉ cố học thêm chút kiến thức theo kiểu cóp nhặt mỗi lúc một ít như kiến tha mồi về tổ, có điều kiện thì trau dồi thêm sẽ hẳn tới một lúc nào đó bạn sẽ được hái quả ngọt!

Không ít thanh niên đã lấy việc học để cứu cuộc đời mình. Họ luôn xác định rõ mục tiêu và vạch ra con đường đi cho tương lai phía trước dù hiện tại rất nhiều vất vả, khó khăn. Với họ sự học là điều tiên quyết phải đi bằng những con đường khác nhau từ những hoàn cảnh khác nhau. Với họ được học là một điều hạnh phúc dù điều kiện để được học quả thật chông gai hơn so với rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhưng niềm tin vào một thời khắc thay đổi sau này luôn giúp họ tự tin vào điều mình đang làm, đó chỉ là con đường học thuật.

Có kiến thức, chắc chắn cách hành xử của bạn sẽ ở một tầm mức khác hẳn kể cả cách nhìn nhận và đánh giá sự việc cũng rõ ràng và dứt khoát hơn. Khi được trọng dụng bạn sẽ nhận ra “đời chỉ thay đổi khi ta thay đổi”. Tất nhiên, quyết định để đạt được mục tiêu cuộc đời thường không dễ như khi ta lấy bút vẽ cỏ cây hoa lá trên tờ giấy trắng mà chắc chắn còn có cả nhũng mảng màu tối, đứt gãy thậm chí hòa quyện cả những giọt nước mắt mặn đắng.

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Bé chẳng học, lớn làm gì?”và cố nhà văn Nga từng đoạt giải Nobel văn chương – Lev Tolstoy lại nhắc thêm rằng: “Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì”.

Thanh Hà

TAG:

Ý kiến của bạn