Cần lắm tư duy đúng

Thứ hai, 29/01/2018, 16:30 GMT+7

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2015 do báo Diễn đàn Doanh nghiệp cùng Hội đồng hỗ trợ - Tư vấn Chương trình Khởi nghiệp phía Nam phối hợp triển khai lớp đào tạo “Khởi nghiệp kinh doanh” dành cho sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh đã được tổ chức.
Thể theo lời mời của ban tổ chức, tôi cùng một số doanh nhân ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau như chế biến gỗ, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản, thiết bị y tế, công nghệ thông tin đã tham gia giao lưu với hơn 300 sinh viên của hai trường, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nhân sự kiện bế giảng khóa học vào ngày 14 và 27 tháng 8 năm 2015. 
Ngoài những câu hỏi được dẫn dắt bởi người dẫn chương trình, tôi đã tập trung lắng nghe phần đặt câu hỏi của các bạn sinh viên và kịp ghi chú lại cách sinh viên tư duy khi chuẩn bị rời ghế nhà trường để hòa mình vào nhịp sống mưu sinh trong xã hội.

bt64-1-1

Doanh nhân đã gặp phải những khó khăn gì lúc khởi nghiệp và khó khăn nào là đáng nhớ nhất? Động lực nào đã thúc đẩy các anh chị vượt qua những chuỗi khó khăn để đi đến thành công hôm nay? Có cách nào để huy động vốn cho dự án khởi nghiệp? Nếu khởi nghiệp bằng một nghề dịch vụ sinh sau đẻ muộn thì làm sao mình có được khách hàng trong một thị trường cung luôn vượt cầu? Làm sao để trở nên nổi bật trong đám đông người bình thường để thu hút sự chú ý của người khác? Trong yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thường đòi hỏi có từ 1-2 năm kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường không thể đáp ứng những tiêu chí tuyển dụng đó thì làm sao có được cơ hội việc làm? Đứng trước thách thức thị trường lao động mở khi các hiệp thương AEC đã được ký kết và có hiệu lực từ năm sau, sinh viên Việt Nam sẽ thua kém hẳn những sinh viên nước ngoài không chỉ về khả năng giao tiếp tiếng Anh mà cả những kỹ năng làm việc khác nữa thì liệu doanh nghiệp có ưu tiên tuyển dụng những sinh viên người nước ngoài không? Doanh nghiệp cần gì ở những sinh viên mới ra trường?...

Những khó khăn trong lúc khởi nghiệp không chỉ là bài toán về vốn, mà điều quan trọng không kém đó là làm sao để tập họp được những con người cùng chí hướng, không ngại khó, ngại khổ và chấp nhận “chung vai sát cánh” suốt một chặng đường nhất định. Đương nhiên, sau khi guồng máy đã đi vào hoạt động ổn định thì những chính sách và cơ chế đãi ngộ cần được xây dựng để giữ được người tài. Động lực thúc đẩy lớn nhất để những thế hệ doanh nhân đi trước vượt qua những rào cản và khó khăn chính là nỗi khát khao trở thành người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội thông qua việc tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ phù hợp với yêu cầu về chất lượng lẫn giá cả mà người tiêu dùng cảm thấy tin cậy và thích thú.

Khởi nghiệp không nhất thiết phải tự mình làm chủ. Sinh viên có thể hiểu ở một khía cạnh khác là hãy bắt đầu con đường sự nghiệp của mình bằng một công việc gì đó chẳng hạn. Ngoài những kiến thức và kỹ năng được trang bị ở nhà trường, việc trau dồi và học tập thêm qua những khóa huấn luyện ngắn hạn theo chuyên đề là điều rất cần thiết và hữu ích.

bt64-1-2

Việc huy động vốn cho những đề án kinh doanh thông thường được vay mượn từ gia đình và bạn bè là chính. Tuy nhiên, một kế hoạch kinh doanh càng cụ thể và càng chi tiết thì sẽ có sức thuyết phục để nhận được sự trợ giúp. Sự sáng tạo trong kinh doanh để tạo ra sự khác biệt chính là điểm mấu chốt để thu hút khách hàng đến với mình. Tạo sự khác biệt không phải là lập dị, mà là làm cho sản phẩm và dịch vụ của mình trở nên chuẩn hơn, đẹp hơn, tốt hơn và bền hơn…

Biết chọn cách sống hòa nhã, vui vẻ và thân thiện với những người xung quanh thì mọi người sẽ có nhận xét tốt và dành sự ủng hộ về phía mình. Giới trẻ cần thu hút sự chú ý của người khác bằng tài năng, khả năng thực thi trách nhiệm, tính kỷ luật và cách giao tiếp - ứng xử văn minh, lịch thiệp. 
Sinh viên nên có kế hoạch đi thực tập ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường Đại học để nâng cao khả năng thích nghi với môi trường. Không phải ở bất kỳ vị trí tuyển dụng nào các doanh nghiệp đều đòi hỏi kinh nghiệm làm việc nơi ứng viên, nhưng chính ứng viên phải tự xác lập khả năng đáp ứng của mình để chọn một công việc phù hợp, vừa sức. 

Không nên tự dán nhãn cho chính mình và người khác bằng những suy nghĩ tiêu cực. Hôm nay tôi vẫn còn yếu về mặt này mặt nọ nhưng không có nghĩa rằng ngày mai tôi không giỏi được! Sinh viên nước ngoài hay trong nước đều có những sở trường, sở đoản khác nhau. Điều quan trọng là phải có cách tư duy đúng và mọi ước muốn, khát khao phải được viết ra giấy…

Những kết luận của đề tài khảo sát và nghiên cứu “Sự khác biệt giữa nhóm sinh viên có và không thiết lập mục tiêu cho tương lai” suốt 10 năm (1979 - 1989) của các Giáo sư Đại học Harvard (Mỹ) như tấm gương để sinh viên Việt Nam có thể soi vào đó và kịp rút ra bài học cho chính mình. Trong số những sinh viên đã tham gia khảo sát, thì:

• 84% sinh viên ra trường không hề có mục tiêu gì.
• 13% có mục tiêu nhưng chưa viết ra giấy.
• 3% có mục tiêu và viết ra giấy.

Kết quả sau 10 năm nghiên cứu là nhóm 13% có thu nhập trung bình gấp đôi so với nhóm 84%; Và thu nhập của nhóm 3% gấp 10 lần so với 97% còn lại. 

Xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ tâm huyết, có đủ tài đức, biết cách làm giàu chính đáng không chỉ là trách nhiệm của lớp doanh nhân thế hệ đi trước, mà còn cần lắm sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp từ phía nhà nước và phụ thuộc vào khả năng cũng như sự tương tác giữa Nhà trường với Nhà Doanh nghiệp. Những nhà làm giáo dục và kinh tế đều phải trở thành đối tác trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và chân thành sao cho chất lượng sản phẩm đầu ra của các trường đại học phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng đầu vào của các doanh nghiệp. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội và mục tiêu mà xã hội đặt ra cho những người đã bén duyên và đam mê theo đuổi sự nghiệp trồng người, ươm mầm nhân tài cho đất nước…

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn