Phụ nữ ngày nay không đơn thuần là người “nâng khăn sửa túi” cho người đàn ông trong nhà nữa, mà lực lượng này đã tham gia và có đóng góp không nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, bao gồm cả các ngành nghề vốn do cánh mày râu “thống trị”. Từ chính trị, kinh tế, tài chánh, giáo dục, quản trị, y tế sức khỏe cộng đồng, thậm chí nghiên cứu khoa học thiên văn, vũ trụ đều không thiếu những “bóng hồng”. Điều đó chứng tỏ nữ giới ngày nay đã độc lập hơn, tự chủ hơn và bình đẳng hơn với nam giới trong việc tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm. Bằng việc xác lập giá trị bản thân, chứng minh năng lực qua công việc thực tế, phụ nữ ngày nay đã khẳng định vai trò to lớn của mình trong xã hội, và theo đó họ cũng đạt được mức thu nhập cao hơn, có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, đời sống tinh thần hạnh phúc hơn.
Với bản tính thiên bẩm là chắt chiu và vun vén, nên phụ nữ thường được giao trọng trách là người “tay hòm chìa khóa”, quản lý chi tiêu trong gia đình. Đành rằng tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì cuộc sống sẽ vất vả vô cùng! Vậy thì, muốn làm tốt vai trò và trọng trách đảm bảo “an sinh gia đình”, người phụ nữ ngoài sức khỏe ra còn cần được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tiền (quản lý tài chánh). Không phải có nhiều tiền mới cần học cách quản lý tiền, phụ nữ cần học cách quản lý tiền sớm để không chỉ biết chi tiêu hợp lý mà còn kiếm được nhiều tiền hơn…
Nhớ lại, khi con trai đầu lòng quyết định lập gia đình ở tuổi vừa tốt nghiệp đại học và tiếp theo sau đó là quyết định khởi nghiệp với một quán cà phê mang thương hiệu Koneko & Friends ở Melbourne (Úc), tôi đã đặt câu hỏi với các con tôi rằng: “Các con sẽ quản lý việc chi tiêu gia đình và quản lý thu chi quán như thế nào? Hiểu khái niệm của quỹ chung, quỹ riêng ra sao? Vì sao cần phải tách bạch giữa hai quỹ này? Lợi điểm và khuyết điểm trong thực hành là gì?”.
Quỹ chung - quỹ riêng. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, thậm chí phản đối quan niệm của tôi về việc lập quỹ riêng bên cạnh quỹ chung của gia đình. Xin khoan đưa ra kết luận đúng – sai trước khi cùng phân tích hai khái niệm này, và ý nghĩa của các quỹ này.
Quản lý tài chánh gia đình thông qua quỹ chung.
Quỹ chung là tài khoản chung, cả hai người cùng có nghĩa vụ đóng góp, dùng để chi tiêu cho mục đích chung. Mức đóng góp nên trong khoảng 70-80% thu nhập của mỗi người, không phân biệt ai kiếm được tiền nhiều tiền ít, vì tính chất việc làm và khả năng kiếm tiền giữa người nam và người nữ có sự khác biệt.
Quỹ chung sẽ tạo tính trách nhiệm và gắn bó giữa người làm chồng, làm vợ với gia đình nhỏ của họ. Cũng để tránh những xung đột, cãi vã do kém nhận thức về vai trò và trách nhiệm với người hôn phối và với con cái trong gia đình. Đảm bảo ngân quỹ gia đình được an toàn và điều phối theo thỏa thuận chung.
Ngoài đóng góp từ thu nhập của mỗi người, các khoản thu từ lãi kinh doanh, cho thuê, lợi tức hoặc được cho tặng… cũng được nhập vào quỹ chung.
Quỹ chung sẽ dùng để chi các khoản tiêu dùng của cả gia đình, như: ăn uống, điện, nước, đi lại, giáo dục, bảo hiểm, du lịch hoặc ma chay hiếu hỷ…
Nếu xây dựng nguyên tắc lập quỹ mà không có cam kết hành động của cả hai người thì xem như bức tường thành bảo hộ gia đình chưa được đặt viên gạch đầu tiên.
Tài khoản quỹ chung có thể được mở tại bất kỳ một ngân hàng nào trong nước hay của nước ngoài, miễn đủ uy tín. Điều quan trọng là đặt nguyên tắc sử dụng: Đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (E-banking), cả hai người cùng nắm mật khẩu tài khoản để được cập nhật những khoản thu nhập và chi tiêu (gọi là giao dịch), kể cả những khoản nợ thấu chi từ tài khoản thẻ tín dụng, để lên kế hoạch hoàn trả (khuyến nghị chỉ nên sử dụng 01 hoặc 02 thẻ tín dụng, tránh những lúc kẹt hạn mức, thẻ hết hạn, thẻ bị lỗi hoặc bị từ chối).
Mọi sự chậm trễ hoặc đột suất trong việc thu chi đều cần được thông báo, dự báo để cả vợ và chồng kịp thời bàn luận và tìm cách xử lý.
Tôi thấy cũng cần đề cập 3 điều tối kỵ trong việc vận hành quỹ chung mà hai người đều cần phải tránh, vì nó hay châm ngòi cho những cuộc “khẩu chiến” có thể là thâu đêm suốt sáng.
1/ Góp và chi tiền không đúng kế hoạch theo thỏa thuận chung
2/ Không chủ động hay thành thật giải bày khi có vấn đề phát sinh
3/ Tỏ thái độ bức bối làm tổn thương cảm xúc về lòng tự trọng của đối phương.
Còn quỹ riêng thì sao: nguyên tắc và ý nghĩa là gì? Xin mời đón đọc trong Bản tin New Toyo kỳ tới (tháng 9/2021).
NHQ
TAG: