Tạo cú hích thị trường nội địa
* Để trở thành TGĐ của doanh nghiệp lớn, phải chăng chị có khởi đầu khá tốt khi là cháu ruột của Chủ tịch Tập đoàn New Toyo - Singapore?- New Toyo có vốn đầu tư 100% của Singapore. Với công ty nước ngoài, họ yêu cầu năng lực làm việc, không quan tâm đến mối quan hệ gia đình - dù thực tế, xuất phát điểm của công ty là mô hình doanh nghiệp gia đình. Vì thế, trở thành một TGĐ của doanh nghiệp lớn, tôi khẳng định không có sự ưu ái nào ở đây. Thực tế, tôi cũng đã trải qua nhiều công việc tại đây. Khi số lượng nhân viên ban đầu chỉ vài người, tôi đã làm mọi việc, từ bán hàng, đi gặp đối tác, đi nhận hàng… Và tôi phải mất 13 năm đi từ nhân viên đến phó Tổng, rồi mới trở thành TGĐ điều hành hơn 200 lao động.
Nhiều người tưởng tôi có chú ruột sẽ thuận lợi hơn, nhưng thật sự, tôi cũng có những áp lực không nhỏ khi gánh tránh nhiệm. Thay đổi cả một thể chế với hơn 200 con người đang làm việc lúc bấy giờ là điều cực kỳ khó khăn. Khi đưa ra những quyết định đổi mới con người, tôi chạm đến chén cơm của họ. Với người làm thâm niên, tôi cho thời gian để họ học hỏi, nhưng nếu không tiến bộ, tôi buộc cho họ nghỉ việc. Với mối quan hệ trong dòng họ, tôi phải chịu những lời không hay… Tôi không “tuyệt tình” mà giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở lấy con người làm gốc và tìm mọi cách để hài hòa lợi ích giữa các bên để dẫn dắt mọi người hướng về mục tiêu chung. Sau đó, mọi người cũng hiểu và không còn thái độ khó chịu. Tôi có một bí quyết dụng người là luôn khích lệ, dù công việc họ làm chưa hoàn chỉnh như mong muốn. Sự khích lệ này mang lại thái độ tích cực trong công việc, điều tôi đã học được ở ba tôi. Ngày bé, tôi đã may cho ông một chiếc áo, có lẽ rất tệ, nhưng đi đâu ông cũng khoe chiếc áo đó, và đó chính là một động lực tinh thần để tôi tiến bộ sau này.
* Trong thời gian chị điều hành, chị đã có những cú hích thị trường nội địa với những sản phẩm hoàn toàn cạnh tranh với nước ngoài. Những mặt hàng như ly, chén, đĩa, khay giấy… của New Toyo phủ mạng siêu thị, cửa hàng?
- Năm 1993, khi New Toyo vào Việt Nam, Công ty đã có sự đột phá khi là đơn vị đầu tiên sản xuất giấy nhôm, ống giấy cho thị trường nội địa. Nhưng phân xưởng sản xuất chật chội, mặt bằng nhỏ, lại thêm cách quản lý kiểu gia đình nên phát triển không mạnh. Khi quyết định chọn hướng “ra riêng” theo mô hình quản lý chuyên nghiệp - một quyết định táo bạo, anh em ai cũng đồng lòng, bởi nó phù hợp với xu thế tất yếu của xã hội, vấn đề là chọn thời điểm nhanh hay chậm.
Từ phó Tổng lên TGĐ, tôi bắt đầu cho xây dựng hệ thống ISO, SA (trách nhiệm xã hội) và OHSAS (an toàn lao động) theo tiêu chuẩn quốc tế. Để thực hiện điều này, phải có nguồn lực cho công ty, và tôi đã có chế độ đãi ngộ nhân viên, tạo dựng môi trường làm việc tốt… Kết quả, khi hệ thống đi vào hoạt động, hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt, tinh thần nhân viên phấn chấn hẳn, bầu không khí làm việc thể hiện rõ sức mạnh của tập thể.
Ngoài sản phẩm chủ lực là giấy ghép nhôm, ghép màng… Năm 2009, chúng tôi là đơn vị đầu tiên mạnh dạn đưa ra thị trường những sản phẩm mới an toàn và chất lượng như khay, đĩa, ly, chén giấy… Tôi còn nhớ, ý tưởng hình thành từ lúc tôi mua bánh kem, người ta để vào những chiếc khay giấy xỉn màu, thậm chí có mùi hôi khó chịu, bởi những loại khay này lúc đó hầu hết làm thủ công với loại giấy phế thải. Tôi liền bàn bạc với cộng sự, đưa ra quyết định tấn công vào thị trường này, với sự chuyển đổi từ thủ công sang máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nguyên liệu rõ ràng, quy trình sản xuất sạch. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn trong thời gian đầu là bài toán giá cả, bởi người tiêu dùng đã quá quen dùng những bao bì nhựa rẻ tiền và không cần biết xuất xứ sản phẩm. Với xu thế tất yếu của thế giới khi ấy là sử dụng bao bì giấy có khả năng tái chế nên chúng tôi một mặt tìm thêm nguồn nguyên liệu để hạ giá thành, một mặt kiên trì tiếp cận thị trường... Có thể nói, đến nay những sản phẩm như khay, đĩa, ly, chén giấy của chúng tôi đã có mặt trong các kênh siêu thị, cửa hàng, tiệm bánh và các trạm dừng chân…
Biết từ chối và chấp nhận đúng lúc
* Quản lý bao nhiêu con người, gánh nặng cũng như áp lực của chị không phải là ít, và chị đã vượt qua bằng cách nào?
- Áp lực cuộc sống thời nay dễ dẫn đến khả năng kiềm chế cảm xúc của con người càng thấp và người ta dễ bị tác động dẫn đến sự thay đổi. Giải quyết những vấn đề xung đột giữa con người với nhau không chỉ cần kiến thức mà phải có cả vốn sống. Để làm tròn vai của mình, không còn cách nào khác là học và học liên tục. Phải học kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian. Biết từ chối và chấp nhận đúng lúc, biết sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, tôi cho rằng, cần biết tận hưởng những thú vui với chuyện chợ búa vào những ngày cuối tuần, hướng về những công việc thiện để tâm hồn thư thái.
* Lợi thế cũng như hạn chế của nữ doanh nhân là gì? Có bao giờ chị nản lòng với hàng núi công việc mình đang làm?
- Lợi thế của phụ nữ là “ăn chắc mặc bền”, tỉ mỉ, kiên nhẫn và bao dung. Nhiều người cho rằng đó cũng là những hạn chế khi với nữ doanh nhân làm lãnh đạo, ngược lại, tôi cho rằng đó lại là điểm mạnh để hạn chế thấp nhất những rủi ro, và những đức tính ấy cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công bản thân và doanh nghiệp. Thú thật, đôi lúc tôi cũng chạm lòng khi những gút mắc trong công việc chưa thống nhất, nhưng những từ ngữ tiêu cực như “nản lòng”, “bó tay” không nằm trong từ điển của tôi. Bởi, quy luật cuộc sống là luôn có những phát sinh ngoài ý muốn, chúng ta phải làm chủ nó, sắp xếp hoặc chia nhỏ khối lượng công việc ra và xử lý thật nghiêm túc.
Phụ nữ làm quản lý cũng có hạn chế về sự mềm yếu, tôi cũng đã có những cám dỗ “cơm áo gạo tiền”, nhưng tôi đã vượt qua được. Cụ thể, khi tôi được giao toàn quyền xây dựng nhà máy, ở cương vị phó TGĐ, tôi đã được chủ thầu biếu số tiền khá lớn, nhưng tôi từ chối… Đơn giản, nếu mình cầm cương mà làm điều khuất tất, thì chắc chắn sẽ có lúc nhân viên biết được, làm sao họ nể và nghe mình.
* Chị dung hòa thế nào giữa cuộc sống gia đình và công việc?
- Đã là phụ nữ thì không thể lơ là gia đình. Tôi luôn dành thời gian cuối tuần, những ngày nghỉ hè, nghỉ lễ tết cho gia đình. Con cái luôn tìm đến mẹ để tâm sự trò chuyện, đó là niềm hạnh phúc với tôi. Tôi không ôm đồm việc chăm sóc nhà cửa mà vận động các thành viên cùng tham gia. Mọi người đều phải tìm lấy một công việc phù hợp với khả năng, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn. Bữa cơm gia đình tôi cũng khá đơn giản. Những lúc về sớm thì tôi nấu ăn, không có thời gian thì tôi gọi người nhà cắm nồi cơm trước, trên đường về nhà ghé mua thức ăn làm sẵn.
Tôi không có nhiều thời gian cho việc tập luyện thể thao, chỉ cân bằng cơ thể bằng dinh dưỡng hợp lý và sự điều độ trong sinh hoạt hàng ngày nên tôi tự hài lòng với bản thân mình hiện tại.
* Xin cảm ơn chị!
ĐỨC PHONG
TAG: