Thu phí hạ tầng cảng biển nội địa tại TP.HCM: Doanh nghiệp thêm khó

Tuesday, 21/06/2022, 16:11 GMT+7

Theo Thông báo số 21/TB-UBND ngày 15/02/2022 và Thông báo số 43/TB-UBND ngày 01/4/2022 của UBND TP.HCM, từ 0 giờ ngày 01/4/2022 TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM với đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân thực hiện cung cấp dịch vụ, nhiệm vụ thu phí và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.

Hoạt động lại sau thời gian dài bị ngưng trệ do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã và đang đối mặt với gánh nặng chi phí do tăng cước vận chuyển đường biển, giá xăng dầu tăng… Trước tình hình đó, Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm bớt chi phí, tăng tính cạnh tranh và phục hồi hoạt động sản xuất. Việc áp dụng khoản phí trên có vẻ nằm ngoài chủ trương này của Chính phủ? Với khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM như hiện nay thì số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ quyết định này là không nhỏ.

Theo Cục Đường thủy nội địa thì TPHCM đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022. Việc lùi thời điểm thu phí với số tiền 2.205 tỷ đồng tiền phí dự thu được coi như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt "bão" Covid-19. Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, dự kiến các dự án kết nối hạ tầng giao thông tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2020 – 2030 là khoảng 93.247 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn thu phí cảng biển trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 – 2025 theo đề án (nếu thu từ 1/7/2021) là 16.000 tỷ đồng và chỉ bù đắp một phần so với nhu cầu vốn đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển thời gian tới (theo Trang Tin Đảng Bộ TP.HCM ngày 22/3/2022).

Với các doanh nghiệp làm hàng xuất nhập khẩu tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có sử dụng dịch vụ cảng biển tại TP.HCM thì đây quả là bài toán đau đầu cho cấp lãnh đạo doanh nghiệp, vì buộc phải cộng thêm khoản chi phí này vào giá bán, giá vận chuyển khi tung sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây có thể trở thành lý do làm giảm sức thu hút của môi trường đầu tư trong nước.

Dù có nhiều ý kiến và kiến nghị từ một số hiệp hội doanh nghiệp, tuy nhiên theo cơ quan quản lý Nhà nước, về mặt quan điểm biết là có khó khăn cho doanh nghiệp nhưng việc phát triển nguồn vốn để cải tạo, xây dựng và phát triển hạ tầng cảng biển nội địa tại TP.HCM về lâu dài cũng cần phải được quan tâm, thực hiện.

Gia Tài

TAG:

Your comment