Xăng dầu vốn là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, nên khi xăng dầu tăng đã có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vận tải. Trường hợp cuối năm 2022, nếu giá xăng dầu không giảm mà tiếp tục tăng thì khả năng lạm phát khó kiểm soát.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022. Đặc biệt, đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI (chỉ số giá tiêu dùng), chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng tác động đến CPI, gây ra biến động về giá cung cầu theo chiều hướng tăng. Việc xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Phải nhận thấy rằng nước ta đang là nước nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, người dân sẽ khó có cơ hội mua sắm càng tạo thêm áp lực cho toàn nền kinh tế.
Gần đây, giá xăng dầu có giảm đôi chút do phụ thuộc vào thị trường dầu thế giới giảm nhưng chính sách chiết khấu, phân phối hay buộc các đơn vị xăng dầu nhỏ lẻ phải mua từ một nguồn… khiến cho các doanh nghiệp mua bán xăng dầu mặc dù được cơ quan chức năng điều tiết theo từng kỳ nhưng hình như vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu, thậm chí nhiều cây xăng treo bảng “hết xăng…” hoặc bán nhỏ giọt nhất là tại các thành phố lớn là nơi có nhu cầu sử dụng xăng dầu cao gây tâm lý bất ổn và có tác động không nhỏ đến việc giao thương đi lại của người dân. Nhiều đề xuất về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, phí môi trường cho mặt hàng xăng dầu đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm tham khảo nhằm kiềm chế lạm phát nhưng hiện vẫn chưa có chủ trương chính thức từ các Bộ ngành chức năng về vấn đề này.
Kinh tế trong nước của chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính Phủ có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm. Hy vọng rằng khi đó doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng lên, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, và tất nhiên nền kinh tế sẽ ổn định hơn nếu như giá xăng dầu không tiếp tục tăng hay biến động bất thường.
Gia Tài
TAG: